Trưởng Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) Vương Kỳ Sơn vừa lên tiếng cho rằng không quá muộn khi hướng các cán bộ sai phạm bị kỷ luật nhẹ hay bị khiển trách đi đúng đường. Theo ông, không nên phân chia thành cán bộ tốt hoặc cán bộ bị xử phạt. Dựa vào phát biểu này, các nhà phân tích nhận định ắt sẽ có sự thay đổi từ chống sang ngăn tham nhũng ở Trung Quốc.
CCDI dẫn lời ông Vương nhấn mạnh các mối quan hệ trong đảng nên được tiêu chuẩn hóa, còn việc phê bình và tự phê bình cũng cần được tiến hành thường xuyên. Đầu tháng này, ông Vương lạc quan nhận định rằng tham nhũng đã bị kìm lại. Trong bài viết “Tổng kết kinh nghiệm 3 năm chống tham nhũng” trên Nhân Dân nhật báo hồi tháng 8, ông Vương thừa nhận chiến dịch chống tham nhũng được tiến hành thực tế mới chỉ “trị ngọn” và đang chuẩn bị cho các bước nhằm trị tận gốc.
Theo ông Trương Đắc Thùy, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu bài trừ tham nhũng thuộc Trường ĐH Bắc Kinh, phát biểu mới nhất của ông Vương Kỳ Sơn cho thấy nỗ lực dập tắt tham nhũng từ trong trứng nước. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm việc nhằm sửa đổi khung hình phạt, trong đó đặt ra 10 loại hành vi vi phạm kỷ luật. “Chống tham nhũng không phải là động thái dồn các quan chức vào bước đường cùng mà là cố gắng để cứu họ” - chuyên gia họ Trương nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng, CCDI ngày 29-9 cho biết cựu Phó Chánh án TAND Tối cao Trung Quốc Hề Hiểu Minh đã bị khai trừ đảng, cách chức và sẽ bị khởi tố. Theo CCDI, ông Hề lợi dụng chức quyền để giúp người thân trục lợi trong các hoạt động kinh doanh, biển thủ công quỹ, vi phạm quy định về thông tin mật và tiết lộ bí mật liên quan đến công việc tư pháp. Cựu phó chánh án này là một trong những quan chức tư pháp cấp cao nhất của Trung Quốc bị cách chức trong chiến dịch chống tham nhũng kể từ sau vụ “ngã ngựa” của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang.
Cùng ngày, Tân Hoa Xã đưa tin Bắc Kinh đã xử phạt 249 quan chức “lười biếng”, không chịu chi tiêu cho các dự án phát triển. Các quan chức này thuộc 24 tỉnh, thành và khu vực, nhận hình phạt từ cách chức, giáng chức đến cảnh cáo sau một cuộc điều tra từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6-2015. Một quan chức giấu tên khẳng định: “Mục đích trừng phạt họ là nhằm thúc đẩy công việc, chấn chỉnh nạn lười biếng, không chịu làm việc và bảo đảm tiến độ các mục tiêu kinh tế trong năm nay”.
Trong 18 tháng vừa qua, nhiều quan chức lo sợ, không dám thông qua các dự án lớn để tránh bị lực lượng chống tham nhũng chú ý. Điều này khiến chính phủ Trung Quốc nhiều lần dọa sẽ rút lại phần ngân sách mà các địa phương không đụng đến.
Bình luận (0)