Cũng như mọi ngày, chiếc xe buýt mang số 107 dừng tại trạm ở trung tâm Bắc Kinh để đón khách. Đám đông hành khách tranh nhau lên xe, trong đó có không ít người cao tuổi. Một số người già không có chỗ ngồi, buộc tài xế xe buýt lên tiếng kêu gọi hành khách nhường chỗ cho họ.
Lão hóa nhanh
Khi xe buýt di chuyển, một số người lớn tuổi buộc phải đứng do xe quá đông hành khách. Ông Từ Trường Cát, 72 tuổi, cho biết không còn thích đi xe buýt bởi có quá nhiều người trạc tuổi ông và thật khó để có được chỗ ngồi. Tâm sự của ông Từ phần nào nêu bật một vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở Bắc Kinh: dân số đang lão hóa nhanh, khiến chính quyền gặp khó trong việc chăm sóc người lớn tuổi tại địa phương.
Theo số liệu được công bố năm ngoái, TP này có gần 3,15 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 23,4% dân số có hộ khẩu tại địa phương. 80% người cao tuổi này sống ở những khu vực tại trung tâm TP. Nếu tính luôn cả lao động nhập cư không có hộ khẩu thường trú thì số người trên 65 tuổi cũng chiếm ít nhất 11% dân số Bắc Kinh. Mỗi ngày, TP này có hơn 500 người bước sang tuổi 60 và 120 người bước sang tuổi 80.
Thực trạng này khiến nhu cầu đang tăng cao đối với một chỗ có mức phí hợp lý tại những nhà dưỡng lão được điều hành tốt. Chính quyền Bắc Kinh thừa nhận tình trạng quá tải của hệ thống nhà dưỡng lão công khi chỉ có những người cao tuổi được chính phủ giúp đỡ, bị khuyết tật, trên 70 tuổi hoặc không con cái mới được phép đăng ký chỗ. Trong nỗ lực giảm tải, vào tháng rồi, chính quyền Bắc Kinh thử nghiệm chương trình trợ cấp cho những người già chịu chuyển đến các nhà dưỡng lão còn nhiều chỗ trống ở TP Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc lân cận.
Kế hoạch kém hấp dẫn
Tuy nhiên, kế hoạch trên đang vấp phải phản ứng của không ít người liên quan. “Tôi nghỉ hưu ở Bắc Kinh và không muốn đi nơi khác. Nếu một ngày nào đó, tôi chỉ còn nằm trên giường xem tivi tại nhà thì vẫn thấy thoải mái hơn ở một trung tâm dưỡng lão xa lạ ở tỉnh Hà Bắc” - cụ ông họ Từ nói trên, cựu nhân viên một công ty xây dựng nhà nước, khẳng định.
Trong khi đó, bà Hàn Học Mai, 66 tuổi, nhận định kế hoạch mới của chính phủ không mấy hấp dẫn. Tại Bắc Kinh, bà Hàn được sử dụng dịch vụ xe buýt miễn phí và không tốn tiền vé vào các công viên. “Sao tôi phải rời Bắc Kinh đến Hà Bắc khi có thể đến tất cả công viên ở đây. Ngay cả khi sức khỏe giảm sút và không thể đi lại nhiều, tôi vẫn thích ở Bắc Kinh vì nơi đây có nhiều bệnh viện tốt” - bà Hàn giải thích với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Ông Lỗ Kiệt Hoa, một giáo sư về xã hội học tại Trường ĐH Bắc Kinh, không tin rằng người lớn tuổi ở Bắc Kinh muốn chuyển đến các tỉnh, thành lân cận bởi môi trường sống và cơ sở y tế tại đó không tốt hơn thủ đô. Không những thế, theo ông Lỗ, động thái trên của chính quyền chỉ khiến người cao tuổi cảm thấy mình là người thừa và trở thành mục tiêu của chương trình tái định cư. Giáo sư này gợi ý chính quyền Bắc Kinh có thể giải quyết bài toán trên hiệu quả hơn nếu tập trung cung cấp những loại hình chăm sóc khác nhau. Một số người lớn tuổi chỉ muốn đến trung tâm dưỡng lão vào ban ngày để tìm người bầu bạn và ăn uống trong khi những người khác cần được chăm sóc tại nhà. Vì thế, việc sử dụng hình thức trợ cấp để “dụ” họ rời đi là không đủ hiệu quả.
Khuyến khích tuyển dụng lao động lớn tuổi
Trong nỗ lực đối phó tình trạng dân số đang già đi, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak vừa yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu những hình thức ưu đãi thuế để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tuyển dụng người lao động lớn tuổi. Bước đi này diễn ra giữa lúc Bangkok đang xem xét tăng tuổi về hưu chính thức từ 60 lên 65. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn thúc đẩy nỗ lực hủy bỏ khoản trợ cấp dành cho người trên 60 tuổi nhằm tiết kiệm khoảng 10 tỉ baht/năm cho ngân sách.
“Mục tiêu của chính sách này là giúp người lớn tuổi kiếm tiền và giảm bớt gánh nặng tài chính cho chính phủ bởi thực tế là không có công ty nào chịu tuyển dụng họ lúc này cho dù vẫn còn khả năng làm việc hiệu quả. Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều chính sách khích lệ người cao tuổi làm việc chứ không chỉ ngồi đợi 500 baht trợ cấp từ chính phủ mỗi tháng. Người cao tuổi cũng thấy mình có ích hơn vì vẫn còn đóng góp được cho xã hội” - ông Somkid lý giải.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thái Lan tiết lộ chính phủ còn có kế hoạch học theo những chính sách của Nhật Bản để giải quyết những vấn đề liên quan tới dân số già, như thiết kế chương trình cho vay mua nhà dành riêng cho đối tượng này - đang được Bộ Tài chính và Ngân hàng GH thuộc sở hữu nhà nước xem xét. Ông Somkid cũng kêu gọi doanh nghiệp tư nhân giúp một tay trong việc đối phó tình trạng dân số lão hóa khi cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng và có ảnh hưởng sâu rộng trong thời gian tới.
Bảo Hạnh
Bình luận (0)