Hôm 5-7, chiến dịch này len lỏi tới tận Washington với tuyên bố mạnh miệng của cựu Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc rằng phán quyết dự kiến đưa ra vào ngày 12-7 tới của PCA “không hơn tờ giấy lộn”.
Phát biểu tại tổ chức nghiên cứu chính sách Carnegie Endowment for International Peace ở Washington - Mỹ, ông Đới lặp lại cảnh báo Bắc Kinh sẽ bác bỏ phán quyết của PCA, đồng thời hối thúc các nước không thực thi phán quyết này. Vị cựu quan chức hiện giữ chức Chủ tịch Trường ĐH Tế Nam (Trung Quốc) tuyên bố Bắc Kinh sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động “khiêu khích” nào của Philippines nữa.
Cũng trong bài phát biểu được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng toàn văn, ông Đới dùng những lời lẽ hết sức gay gắt cho hành động tuần tra tự do hàng hải biển Đông của Mỹ. “Trung Quốc sẽ không bị đe dọa ngay cả khi Washington gửi 10 tàu sân bay đến biển Đông. Tuy nhiên, họ có thể bị kéo vào rắc rối không mong muốn và trả một cái giá rất đắt” - ông Đới lớn giọng.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm 5-7 thậm chí còn hô hào Bắc Kinh nên chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự ở biển Đông. Bình luận về bài viết này, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook nhấn mạnh “Mỹ không muốn đối đầu Trung Quốc” nhưng sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện thường xuyên trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi sau đó tìm cách giảm nhẹ tuyên bố căng thẳng của Thời báo Hoàn Cầu bằng khẳng định Bắc Kinh “cam kết hòa bình”.
Chiến dịch PR của Bắc Kinh còn mở rộng sang tiếng Anh, tất nhiên là theo hướng một chiều có lợi cho mình. Các đại sứ Trung Quốc xuất hiện ở hàng loạt tờ báo trên thế giới với những bài viết bày tỏ quan điểm không có gì mới mẻ. Song song đó, video, bài viết thể hiện lập trường của chính phủ Trung Quốc đặc kín trên mạng xã hội.
Thậm chí, tờ Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - còn tung một loạt 10 video bằng tiếng Anh trên trang chia sẻ YouTube tung hô ý kiến các học giả, giới chức Trung Quốc, Malaysia và Singapore có quan điểm về biển Đông tương tự lập trường Bắc Kinh. Tờ Japan Times (Nhật Bản) gọi động thái này của Trung Quốc là “thổi phồng” truyền thông.
Tuy nhiên, theo giáo sư khoa học chính trị June Teufel Dreyer thuộc Ủy ban Giám sát An ninh và Kinh tế Mỹ - Nhật, những người vô tình bắt gặp những video hay bài viết kiểu đó thường không mấy quan tâm tới “phán quyết về một vụ việc ở quá xa (với họ)”. Ông nhận định: “Nỗ lực đưa vấn đề này tới công chúng của Bắc Kinh có vẻ là do sợ rằng PCA sẽ ra phán quyết chống lại họ”.
Bình luận (0)