Cuộc họp báo tổ chức chỉ 1 ngày sau khi Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố báo cáo về chương trình thẩm vấn tăng cường của Cục Tình báo trung ương (CIA).
Hai ông Kwasniewski và Miller thừa nhận điều mà họ phủ nhận lâu nay: Cho phép CIA điều hành cơ sở giam giữ bí mật ngay trên đất Ba Lan từ tháng 12-2002 đến mùa thu năm 2003, với yêu cầu những người bị giam được đối xử nhân đạo như tù binh chiến tranh.
Theo lời vị tổng thống nắm quyền Ba Lan suốt 10 năm (1995-2005), CIA không cho các quan chức nước này tiếp cận trại giam nên họ không hay biết tù nhân bị tra tấn. “Người Mỹ hoạt động quá bí mật và điều đó làm chúng tôi lo ngại” - ông Kwasniewski lý giải về quyết định yêu cầu “chấm dứt hợp tác” với CIA vào năm 2003.
Theo phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu hồi tháng 7 năm nay, cơ sở trên nằm gần làng Stare Kiejkuty, Đông Bắc Ba Lan. Nơi đây giam giữ 5 nghi can, bao gồm kẻ bị cho là trong nhóm chủ mưu của vụ khủng bố 11-9-2001 Khalid Sheikh Mohammed. Thực ra, báo cáo của Thượng viện Mỹ không nhắc đích danh Ba Lan, chỉ đề cập “địa điểm giam giữ màu xanh” song đối chiếu thời gian, nghi can bị giam đã giúp truyền thông thế giới tìm ra đáp án.
Đáng chú ý, báo cáo cho hay trại giam trên hoạt động được 4 tháng thì phía Ba Lan không cho đưa thêm nghi can đến. Tuy nhiên, quyết định đảo ngược sau khi “CIA chuyển một khoản tiền lớn” cho Warsaw - theo điều tra của tờ The Washington Post hồi tháng 1-2014 là 15 triệu USD tiền mặt đựng trong 2 thùng giấy lớn. Ông Kwasniewski khẳng định số tiền trên tài trợ cho tình báo Ba Lan và không liên quan đến trại giam bí mật.
Dây thép gai rào dày đặc bên ngoài nơi được cho là trại giam bí mật của CIA gần làng Stare Kiejkuty
của Ba Lan. Ảnh: Reuters
Bản thân Mỹ không khởi tố hình sự đối với chương trình thẩm vấn của CIA song tại Ba Lan, một cuộc điều tra được khởi động từ năm 2008 và kéo dài đến nay. Cơ quan công tố Ba Lan chưa đưa ra bình luận về những phát biểu của cựu Tổng thống Kwasniewski nhưng đương kim Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tomasz Siemoniak nói: “Đôi lúc chúng ta phải nói không, ngay cả với bạn thân nhất”. Ba Lan là đồng minh trung thành nhất của Mỹ tại châu Âu.
Trong khi đó, nghị sĩ Lukasz Gibala viết trên Facebook: “Đất nước còn có thể tôn trọng chúng ta không khi chính quyền gật đầu để đổi lấy vài triệu USD, kể cả nếu điều đó trái hiến pháp?”.
Nhưng cũng có ý kiến bênh vực. Ông Roman Imielski - chủ bút nhật báo hàng đầu Ba Lan Gazeta Wyborcza - viết cho đài Deutsche Welle (Đức): “Bây giờ kết tội thì dễ nhưng quay lại năm 2001 hay 2002 thì bất cứ tổng thống hay thủ tướng nào của Ba Lan cũng sẽ đồng ý với đề nghị của Mỹ. Lý do: Mỹ ủng hộ Ba Lan trong thời gian dài, giúp Ba Lan nhanh chóng gia nhập NATO hồi năm 1999 và luôn cam kết bảo vệ Ba Lan. Cuối cùng, thật khó mà từ chối Washington sau thảm kịch 11-9”.
Hơn nữa, ông Imielski cho rằng ai ngờ Mỹ lại đi ngược chính hiến pháp của họ - cấm các hình thức tra tấn. “Người Mỹ đã che giấu cả thế giới” - ông kết luận và gọi đây là một bài học cay đắng.
Theo báo The Christian Science Monitor, bản báo cáo có thể làm phức tạp quan hệ Mỹ - Ba Lan, đặc biệt là giữa sức nóng của cuộc khủng hoảng Ukraine. Có lẽ vì vậy mà 1 ngày trước khi báo cáo được công bố hôm 9-12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz. Văn phòng thủ tướng Ba Lan tuyên bố: “Hai nhà lãnh đạo hy vọng báo cáo sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương”, còn Nhà Trắng nói: “Tổng thống Obama tái khẳng định cam kết của Mỹ về phòng vệ tập thể dành cho các đồng minh NATO”.
Không chỉ Ba Lan khó ở, bản báo cáo “bom tấn” cũng làm nhột nhạt một số nước như Romania, Lithuania, Canada... Các nhóm nhân quyền đang đặt nghi vấn về việc Canada chia sẻ thông tin tình báo với CIA cũng như cho phép CIA sử dụng không phận để chở nghi can khủng bố đến các trại giam ngoài nước Mỹ sau sự kiện 11-9.
Bình luận (0)