Ngay từ khoảnh khắc đặt chân đến TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc cho đến các hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào, ông Obama đối mặt không ít thách thức liên quan đến những chính sách đang theo đuổi khắp thế giới.
Cuộc gặp dài hơi giữa ông Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ghi nhận những bất đồng chính giữa hai nước vẫn chưa được hóa giải, như biển Đông, kinh tế, nhân quyền và an ninh mạng... Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến chính quyền ông Obama trắng tay sau những cuộc đàm phán căng thẳng về thỏa thuận giảm thiểu bạo lực ở Syria.
Tổng thống Obama giải khát bằng nước dừa khi đang dạo bước ở Luang Prabang. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên là một trong những điểm trừ trong chính sách châu Á của nhà lãnh đạo Mỹ. Cuộc gặp dự kiến diễn ra giữa ông Obama với người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte tại Lào bị hủy sau khi những lời thô tục khó nghe của ông Duterte. Chưa hết, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ trong NATO, tiếp tục phản ứng việc Washington dựa vào lực lượng người Kurd để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria... Tất cả đều là những “bài toán không dễ giải quyết” mà người kế nhiệm ông Obama phải kế thừa.
Dù vậy, giới chuyên gia cũng đánh giá tích cực chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền ông Obama, như đưa thêm lực lượng, tàu chiến và máy bay luân phiên tới khu vực trong khi tăng cường các thỏa thuận quân sự. Các cố vấn của ông Obama nói rằng cách tiếp cận này giúp ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương hiện mạnh mẽ hơn hẳn thời điểm ông mới bước vào Nhà Trắng. Chuyến thăm Lào đầu tiên của ông Obama cũng phần nào chứng tỏ quyền lực “mềm” của nhà lãnh đạo này không hề suy giảm. Những hình ảnh giản dị và thân thiện của người quyền lực nhất nước Mỹ như bắt tay người dân, tới thăm một ngôi chùa cổ ở cố đô Luang Prabang hay thích thú nhấm nháp nước dừa… khiến ông tiếp tục được lòng người dân địa phương.
Báo The Wall Street Journal nhận định sự tập trung vào châu Á trong suốt thời kỳ cầm quyền của ông Obama thể hiện qua chính sách tái cân bằng quan hệ tại khu vực - vừa gắn kết với Trung Quốc vừa chống lại ảnh hưởng của họ bằng cách thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng. Có điều, những bước đi này vẫn chưa thể chặn đứng được những hành động ngang ngược của Bắc Kinh, theo chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng và đối ngoại Michael Mazza tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Bình luận (0)