xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bàn tay sắt của thủ tướng

THẢO HƯƠNG

Thủ tướng Anh đã tuyên chiến với các băng nhóm tội phạm đường phố mà ông cho là căn nguyên của những vụ bạo loạn ở thủ đô London và các thành phố khác. Một quan điểm mà giới trẻ cho rằng không thuyết phục

Nước Anh của Thủ tướng David Cameron sẽ tiến hành một “cuộc chiến toàn diện” chống các băng nhóm tội phạm và sẽ thay đổi văn hóa “thô lỗ” của các băng nhóm làm băng hoại đạo đức xã hội mà trong vài thập niên qua chính phủ các vị tiền nhiệm chưa quan tâm đúng mức.

Xã hội băng hoại

Nhận thức rõ sự bất mãn của quần chúng đối với những kẻ gây bạo loạn, phá hoại tài sản công dân, ông Cameron đã dùng những lời lẽ cứng rắn: “Đã lâu lắm rồi chúng ta không chịu nói ra cái gì là đúng và cái gì là sai. Những vấn nạn xã hội tồn tại từ mấy chục năm qua bây giờ quất vào mặt chúng ta”.

Ông thủ tướng đổ lỗi cho “những đứa trẻ không cha, những trường học vô kỷ luật, những phần thưởng phát cho những kẻ lười biếng”. Ông hứa sẽ xem xét lại chính sách của chính phủ nhằm lập lại trật tự trong một “xã hội băng hoại, suy sụp về mặt đạo đức” mà ông cho là cội nguồn của bất ổn xã hội hiện nay. Việc cải cách sẽ bắt đầu từ “trường học, trợ cấp xã hội và giáo dục con trẻ”.
img

Thủ tướng David  Cameron (áo trắng) đang cố gắng thuyết phục thanh niên. Ảnh: AP

Bài phát biểu rất cứng rắn của ông Cameron được chuẩn bị rất kỹ sau 5 ngày bạo loạn hồi tuần rồi ở 4 thành phố lớn London, Manchester, Birmingham và Liverpool được mô tả là tồi tệ nhất ở Anh trong 25 năm qua.
Cảnh thanh niên, trong đó có những cậu nhóc 11 tuổi, tràn qua các khu phố mua sắm, đập phá và phóng hỏa các cửa hàng và nhà dân để hôi của làm bàng hoàng cả những người lạnh lùng nhất.

Mạnh tay với các băng nhóm đường phố

Mặc dù bạo loạn đã chấm dứt, lực lượng cảnh sát vẫn được duy trì ở mức cao nhất: 16.000 người. Hơn 1.500 người, trong đó 1/3 là thanh niên dưới 18 tuổi, bị bắt giữ buộc các tòa án phải làm việc thâu đêm, kể cả chủ nhật, để giải phóng các trại giam chật cứng thanh thiếu niên.

Các vị thẩm phán đã được ngành tư pháp khuyến khích đưa ra những bản án vượt khung hình phạt. Ở Brixton, phía Nam London, một sinh viên 23 tuổi bị tuyên án 6 tháng tù vì tội  lấy cắp một chai nước lọc trị giá 3,5 bảng Anh (118.000 đồng) trong siêu thị. Ở Manchester, một bà mẹ có 2 con lãnh 5 tháng tù giam vì tội nhận một chiếc quần soóc của người khác ăn cắp ở cửa hàng thương mại trung tâm.

Ông Cameron chọn cử tọa là thanh niên khu vực bầu cử của ông ở Witney, một thị trấn xinh đẹp ở Oxfordshire, miền Nam nước Anh, để công bố những chính sách mới của chính phủ. Địa điểm là câu lạc bộ thanh niên của thị trấn thay vì những nơi xảy ra bạo loạn.

img
Bị cáo này mới 11 tuổi đã bị Tòa án Islington, Bắc London, xử tù. Ảnh: Daily Mail
Theo ông, triệt phá các băng nhóm đường phố sẽ là “ưu tiên mới cấp quốc gia”. Những người không chịu lao động nhưng vẫn hưởng trợ cấp sẽ bị kiểm soát chặt chẽ và sẽ bị chế tài. Cụ thể, những người thừa nhận có tham gia những cuộc bạo loạn mặc dù chưa đến mức tù tội có thể bị cắt trợ cấp.
Chương trình bắt buộc  thanh niên 16 tuổi phải làm nghĩa vụ công dân quốc gia trong dịp hè - bắt đầu từ năm nay với 16.000 người - sẽ được kéo dài. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động đối phó với bạo loạn vừa qua.
“Nhiều người nghĩ rằng phương cách đối phó hữu hiệu nhất là khôi phục nghĩa vụ quân sự. Tôi đồng ý với ý kiến đó cho nên chúng tôi đề ra một chương trình tương tự là “nghĩa vụ công dân quốc gia” - ông Cameron nhấn mạnh. Theo chương trình này, “các em sẽ được học đá bóng và đi thăm người già neo đơn”.

Đổ lỗi cho nhau

Thủ tướng Cameron đã trổ tài hùng biện của mình để thuyết phục cử tọa nhưng theo các bài tường thuật báo chí, kết quả đạt được không như mong muốn.

Ông Cameron không được cử tọa hoan nghênh cho lắm. Nhiều tiếng huýt sáo của đám thanh niên tuổi mới lớn phản đối vang lên khi ông bước vào căn phòng chật chội, ngột ngạt của câu lạc bộ.

Hãng AFP cho biết ông Cameron không gây ấn tượng nhiều đối với đám thanh niên tham dự buổi họp. Sau khi nghe ông thủ tướng đổ lỗi cho một xã hội có “những người cha bỏ bê gia đình, các băng nhóm làm luật trên đường phố và người dân không chịu trách nhiệm về những gì họ làm”- nhiều thanh niên đã phản ứng một cách tiêu cực.

Jake Parkinson, 17 tuổi, không có công ăn việc làm, bức xúc: “Ông ấy đổ lỗi cho mọi người, trừ ông ấy. Ông ta phải ngưng ngay luận điệu đó. Người giàu ngày càng giàu hơn, trong khi người nghèo ngày càng nghèo đi. Bản thân tôi muốn vào đại học nhưng tôi không có đủ tiền. Nếu ông ấy làm tốt công việc của mình thì đâu có chuyện gì”.

Đa số thanh niên ở Witney nói lỗi ở đây thuộc về chính phủ. Việc cắt giảm chi phí công, để các trường đại học tự do tăng phí, theo họ, sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, đồng thời  dẫn đến bất công xã hội thêm sâu sắc.

Thách thức tòa án

Khá nhiều bị cáo thách thức các quan tòa. Ở Manchester, một bé gái 11 tuổi cười suốt phiên xử và từ chối đưa ra một lời xin lỗi theo yêu cầu của quan tòa.
Trong một trường hợp khác, một cậu bé 12 tuổi can tội ăn cắp một chai rượu vang trị giá 7,49 bảng Anh đi cùng với mẹ đã văng tục với các phóng viên khi bước ra khỏi phòng xét xử.
Nhiều bị can vị thành niên đến tòa mà không có cha hoặc mẹ đi cùng khiến các quan tòa nổi cáu.

Kỳ tới: Nỗi lòng cảnh sát

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo