Đài CNN đưa tin vào ngày 31-8, Thống đốc Ralph Northam đã ân xá cho "Bảy người đàn ông của Martinsville".
"Dù các lệnh ân xá này không xác định tội lỗi của 7 người, nó được xem như sự công nhận của Khối Thịnh vượng chung rằng những người đàn ông này bị xét xử mà không có thủ tục thích hợp đầy đủ và nhận án tử hình vì chủng tộc, điều không bị áp dụng cho các bị cáo da trắng" - trích thông báo của văn phòng ông Northam.
"Chúng ta đều xứng đáng có được hệ thống tư pháp hình sự công bằng, bình đẳng và đúng đắn, bất kể ta là ai hay trông như thế nào. Tôi biết ơn những người ủng hộ và gia đình của 7 người đàn ông Martinsville vì sự cống hiến và kiên trì của họ" - ông Northam nói thêm.
Người thân của Bảy người đàn ông Martinsville. Ảnh: AP
Các thành viên gia đình của 7 tử tù cho biết người thân của họ bị thẩm vấn 1 cách cưỡng ép, không có sự hiện diện của luật sư và bị ép thú tội khi bị đe dọa bạo lực. Bảy người đàn ông Martinsville bị kết tội cưỡng hiếp bà Ruby Stroud Floyd (32 tuổi) khi bà đến một khu dân cư chủ yếu là người da đen ở TP Martinsville, bang Virginia, vào ngày 8-1-1949 để thu tiền quần áo mà bà đã bán.
Bốn trong số 7 người bị xử tử trên ghế điện vào ngày 2-2-1951. Ba ngày sau, 3 người còn lại cũng bị hành quyết. Vào thời điểm đó, phạm tội cưỡng hiếp sẽ bị tử hình.
Vào ngày 31-8, ông Northam đã tham gia lễ ký lệnh ân xá cùng người thân của 7 người đàn ông. Bảy người này là ông Francis DeSales Grayson (37 tuổi), ông Booker T. Millner (19 tuổi, ông Frank Hairston Jr. (19 tuổi), ông Howard Lee Hairston (18 tuổi), ông James Luther Hairston (20 tuổi), ông Joe Henry Hampton (19 tuổi), ông John Claybon Taylor (21 tuổi).
Người biểu tình tuần hành trước Nhà Trắng để thuyết phục Tổng thống Harry Truman không xử tử bảy người đàn ông vào ngày 30-1-1951. Ảnh: AP
Kể từ năm 2020, Liên minh Martinville 7, bao gồm các thành viên trong gia đình và những người ủng hộ cộng đồng da màu, đã thúc đẩy việc ân xá sau khi chết. "Họ không đáng chết. Thống đốc Northam nên gửi lời xin lỗi đến gia đình của bảy người đàn ông, nói rằng họ đáng lẽ không bị tử hình. Không bao giờ là quá muộn để sửa chữa sai lầm" - ông James Grayson, con trai của ông Francis DeSales Grayson, nói.
Trước khi bãi bỏ án tử hình vào đầu năm nay, bang Virginia đã xử tử nhiều phạm nhân hơn bất kỳ bang nào khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng bị kết án tử hình của một bị cáo sẽ cao hơn gấp ba lần nếu nạn nhân của tội phạm là người da trắng so với nếu nạn nhân là người da màu.
Từ năm 1908 đến năm 1951, toàn bộ 45 phạm nhân bị tử hình vì tội cưỡng hiếp ở bang Virginia đều là người da màu. Vào năm 1977, Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng việc áp dụng hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm là hình phạt tàn nhẫn và bất thường.
Bình luận (0)