Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh phàn nàn kết cục Brexit lẽ ra đã tránh được nếu các nhà lãnh đạo châu Âu cho phép ông kiểm soát vấn đề nhập cư đầy gai góc. Theo ông, thách thức lớn này có thể cản trở những cuộc thương thảo sắp tới về vấn đề tiếp cận thị trường EU duy nhất một khi quá trình Brexit hoàn tất.
Ông Cameron cho biết bữa ăn tối cuối cùng của ông với các nhà lãnh đạo 27 nước còn lại của EU tại thủ đô Brussels - Bỉ hôm 28-6 diễn ra trong bầu không khí “xây dựng, tích cực và có ý nghĩa”. Một mặt ca ngợi những đóng góp tích cực của London cho EU trong cuộc “hôn nhân” kéo dài 43 năm, mặt khác giới lãnh đạo châu Âu cũng phát đi thông điệp đã đến lúc lịch sử sang trang và khối này cần hướng đến tương lai không còn Anh. “Tôi không thấy có sự đảo ngược nào đối với kết cục này. Giờ không phải là lúc mơ tưởng mà cần nhìn vào thực tế” - Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo.
Với lối suy nghĩ như thế, các nhà lãnh đạo EU đồng loạt kêu gọi Anh nhanh chóng hành động để giải quyết tình trạng hỗn loạn về chính trị và kinh tế do Brexit gây ra - tức có kế hoạch cho chuyện “chia tay” càng sớm càng tốt. Trong ngày 29-6, Hội nghị Thượng đỉnh EU tiếp tục diễn ra mà không có sự hiện diện của nhà lãnh đạo Anh - điều chưa từng có trong hơn 40 năm qua. Một nội dung quan trọng của hội nghị là làm sao nhanh chóng cải cách EU để bảo đảm không có một Brexit nào khác.
Trong lúc EU quyết tâm “dứt tình” với Anh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại lạc quan hơn. Phát biểu tại bang Colorado - Mỹ hôm 28-6, ông Kerry cho rằng Anh vẫn có thể không rời EU bất chấp kết quả cuộc trưng cầu ý dân 5 ngày trước đó. Gọi đây là “cuộc ly hôn rất phức tạp”, ngoại trưởng Mỹ nhận định hầu hết người bỏ phiếu cho Brexit không biết cách - hoặc không thật sự muốn - thực thi điều này. Ông Kerry nói vẫn có một số cách Anh có thể ngăn kết cục này dù không cho biết cụ thể.
Giới chức châu Âu đang trút giận vào phe ủng hộ Brexit khi chỉ trích họ không biết chút gì về điều mình muốn và không có kế hoạch cho kịch bản này. Không những thế, những người đứng đầu phe này còn bị “vạch mặt” là cho cử tri Anh ăn “bánh vẽ”. Chẳng hạn, trước thềm trưng cầu ý dân, cựu Thị trưởng London Boris Johnson cam kết Brexit sẽ giúp đất nước kiểm soát tốt hơn số người di cư vào Anh. Nhưng đầu tuần này, ông thừa nhận con số này sẽ không giảm thời hậu Brexit.
Một lời hứa hão khác là Anh sẽ không còn phải đóng góp cho EU khoản tiền 350 triệu bảng/tuần. Tuy nhiên, không ai dám nhận mình đã hứa thế sau trưng cầu. Ngay cả số tiền cũng bị phóng đại bởi thực tế chỉ vào khoảng 150 triệu bảng/tuần. Đáng lo hơn, lời hứa về một đồng bảng Anh và thị trường ổn định bị phủ định sạch trơn bởi thực tế là giá trị đồng bảng giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua còn kinh tế Anh được dự báo bị suy thoái trong năm 2017.
Bình luận (0)