Báo cáo còn cho biết 2021 là năm thứ bảy liên tiếp chi tiêu quốc phòng toàn cầu gia tăng và là năm đầu tiên con số này vượt mốc 2.000 tỉ USD, với 52% trong số này đến từ Mỹ và Trung Quốc.
Những cái tên còn lại trong danh sách 5 nước chi tiêu quốc phòng hàng đầu thế giới vào năm 2021 gồm Ấn Độ, Anh và Nga. "Chi tiêu quốc phòng toàn cầu chạm ngưỡng kỷ lục kể cả khi đại dịch Covid-19 khiến kinh tế bị ảnh hưởng" - chuyên gia Diego Lopes da Silva của SIPRI nhấn mạnh.
Quân nhân Ukraine nhận lô vũ khí viện trợ từ Mỹ tại sân bay quốc tế Boryspil bên ngoài Kiev hồi tháng 2 Ảnh: REUTERS
Những chuyển động về vũ khí tiếp tục diễn ra sôi động. Trước báo cáo của SIPRI một ngày, trong chuyến thăm Ukraine chính thức đầu tiên kể từ khi xung đột vũ trang Nga - Ukraine nổ ra, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ cam kết tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev.
Hai vị này khẳng định với Tổng thống Volodomyr Zelensky rằng Washington trước mắt sẽ phê chuẩn gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 322 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng viện trợ quân sự mà chính quyền Tổng thống Joe Biden dành cho quốc gia này lên khoảng 3,7 tỉ USD kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hôm 24-2.
Một khoản viện trợ khác trị giá gần 400 triệu USD sẽ được Washington gửi cho 15 quốc gia khác ở Trung Âu, Đông Âu và các nước Balkan, một quan chức giấu tên tiết lộ với Reuters.
Trong khi đó, báo Welt am Sonntag dẫn nguồn tin mật cho biết Công ty quốc phòng Rheinmetall (Đức) đã xin giấy phép để giao cho Ukraine 100 phương tiện chiến đấu bộ binh Marder, loại vũ khí hạng nặng cần sự phê chuẩn đặc biệt từ Hội đồng An ninh quốc gia Đức. Nếu suôn sẻ, đây sẽ là lần đầu tiên Ukraine nhận được lô vũ khí hạng nặng từ Đức.
Bình luận (0)