Nhà phân tích hàng đầu Alex Channer của Verisk Maplecroft nhấn mạnh kết quả nghiên cứu cho thấy không có nhiều quốc gia “miễn nhiễm” với nạn nô lệ hiện đại. Trong khi đó, tạp chí Forbes nhận định báo cáo trên là báo động đỏ toàn cầu về vấn đề nhân quyền.
Theo Reuters, nô lệ hiện đại là thuật ngữ được dùng để mô tả nạn buôn người, lao động khổ sai, lệ thuộc do nợ nần, hôn nhân ép buộc và các hình thức bóc lột khác. Thống kê mới nhất cho thấy gần 46 triệu người trên thế giới đang sống như nô lệ. Báo cáo trên ghi nhận Triều Tiên là quốc gia có tình trạng lao động nô lệ tồi tệ nhất thế giới, theo sau là Nam Sudan, Sudan và CHDC Congo. Ngoại trừ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu thế giới đã được báo cáo trên xếp hạng “nguy cơ cao” hoặc “cực cao” trong việc sử dụng nô lệ hiện đại, nổi bật là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.
Riêng EU được các nhà nghiên cứu xếp ở mức “nguy cơ trung bình” do tác động của cuộc khủng hoảng tị nạn và tình trạng bóc lột người di cư, người tị nạn. Trong khi đó, 4 quốc gia châu Âu là Anh, Đức, Đan Mạch và Phần Lan được xếp vào loại có “nguy cơ thấp”. Anh là quốc gia đầu tiên ở châu Âu ban hành đạo luật chống nô lệ hiện đại cách đây hơn 1 năm. Tân Thủ tướng Anh Theresa May gần đây gọi nô lệ hiện đại là “vấn đề nhân quyền lớn nhất thời đại chúng ta”.
Bình luận (0)