Tiếng chuông cảnh báo kiểu làm ăn gian dối kép này đã được ASPS (Hiệp hội Bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ Mỹ) gióng lên ngày 22-12 vừa qua. Nói là gian dối kép vì hãng PIP Pháp đã tráo chất silicone y tế bằng silicone công nghiệp và sau khi bị cấm sử dụng ở nhiều nước, nhãn hiệu PIP đã được thay bằng nhãn M có xuất xứ Hà Lan. Ai vô phước nâng ngực bằng túi silicone M cũng có nguy cơ bị xì gây ra nhiều phiền toái cho sức khỏe y như túi PIP.
Tốn 60 triệu euro để tháo 30.000 túi ngực
Cơ sở để ASPS “la làng” là đánh giá của Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA). Túi silicone PIP đã bị cấm dùng ở Mỹ từ nhiều năm nay cho nên một công ty y tế ở Hà Lan đã mua lại sản phẩm PIP rồi xóa nhãn cũ thay vào nhãn mới gọi là M-implants xuất qua Mỹ hòng qua mặt FDA nhưng đã bị cơ quan này lật tẩy.
Phẫu thuật tháo túi silicone PIP ở Pháp. Ảnh: Reuters
Tạp chí Pháp Santé Log dẫn lại nguồn tin của ASPS thắc mắc báo chí Mỹ-Anh đã thông tin đầy đủ và rộng rãi sự kiện nói trên nhưng ở Pháp đã có sự im lặng khó hiểu, người tiêu dùng hoàn toàn mù tịt. Kể cả các bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ Pháp cũng không được thông báo mặc dù ASPS thường xuyên hợp tác với Pháp.
Tại Anh, văn phòng tư vấn luật Hugh James, công ty đang bảo vệ quyền lợi cho 350 người sử dụng sản phẩm PIP, cho biết đã nhận được cảnh báo của Clinica, trang tin y khoa Anh, theo đó túi silicone mang nhãn hiệu M-implants của công ty Hà Lan Rofil Medical thực chất là túi silicone kém phẩm chất của PIP. Clinica cho rằng Rofil đã mua lại sản phẩm PIP để xuất khẩu qua Đức, Bỉ, Ba Lan, Cộng hòa Czech và các châu khác.
Hậu quả nhãn tiền là có nhiều phụ nữ trên thế giới sử dụng túi silicone M tưởng an toàn hóa ra cũng có nguy cơ như sử dụng sản phẩm PIP. Ở một số nước cấm dùng sản phẩm PIP, phụ nữ ra nước ngoài nâng ngực bằng sản phẩm PIP hoặc M. Nhật báo Anh The Sun, nhân dịp này, đã mở chiến dịch thông tin về nguy cơ y tế khi làm đẹp vòng 1 ở nước ngoài.
Chưa bao giờ có một chiến dịch y tế đại quy mô như vậy ở Pháp: 30.000 phụ nữ được khuyến cáo tháo túi ngực silicone PIP vì những tai biến khó lường và chính phủ sẽ bồi hoàn 100% phí tổn. Ước tính nếu chiến dịch này được thực hiện đến nơi đến chốn, chính phủ sẽ mất 60 triệu euro. Bộ trưởng Y tế Xavier Bertrand cho biết bộ đã quyết định như vậy sau khi ghi nhận 1.051 trường hợp túi PIP bị vỡ và 9 người mắc bệnh ung thư.
Theo ông Jean-Claude Ghislain của Afssaps (Cơ quan Kiểm soát sản phẩm y tế Pháp), tỉ lệ vừa kể đã vượt gấp nhiều lần mức bình thường khiến Bộ Y tế lo ngại. Mặc dù Viện Ung bướu Quốc gia (INCA) cho rằng không thấy có mối liên hệ giữa túi PIP và bệnh ung thư, Bộ Y tế vẫn tỏ ra quyết liệt nhằm hai mục đích: Một, trấn an hàng ngàn bệnh nhân bị vỡ túi nâng ngực sau khi bà Edwige Ligonèche, 53 tuổi, một trong số họ, chết vì bệnh bạch huyết. Hai, làm dịu bớt cuộc tranh cãi giữa giới chuyên môn và giới quản lý y tế.
Vì đâu nên nỗi ?
Vấn đề đặt ra là tại sao Afssaps lại để một doanh nghiệp làm ăn gian dối lâu như thế mặc dù đã có dấu hiệu lừa đảo? Var-Matin, một tờ báo địa phương nơi PIP đặt nhà máy, dẫn số liệu báo cáo nội bộ của nhà máy cho biết từ năm 2009, PIP đã phải bồi thường thiệt hại do túi vỡ hoặc xì phải tháo ra gấp bốn lần so với 2005. Afssaps cũng ghi nhận được số lượng túi PIP vỡ cao gấp ba lần trong vòng 9 năm tiêu thụ sản phẩm PIP.
Công nhân hãng PIP trước đống rác túi silicone vô dụng. Ảnh: AFP
Ông Ghislain chống chế: “Đó là những vụ kiện cáo dân sự, cơ quan y tế không được thông báo”. Tuy nhiên, sơ hở lớn nhất của Afssaps, theo luật sư Philippe Courtois, đại diện cho 1.300 nạn nhân của PIP, là không trực tiếp kiểm tra sản phẩm PIP mà giao cho một công ty ngoài làm việc này. Đó là Công ty TUV Rheinland của Đức. Công ty này chỉ dựa vào tài liệu của nhà sản xuất để cấp giấy chứng nhận chất lượng. Đôi khi công ty cũng cử chuyên viên đến nhà máy kiểm tra nhưng trước khi đi đều thông báo trước cho nên bị hãng PIP qua mặt dễ dàng.
Nhân viên của PIP thú nhận rằng mỗi lần bị kiểm tra, họ thay chất silicone công nghiệp rẻ tiền đang chạy trên dây chuyền sản xuất bằng silicone hợp chuẩn y tế. Việc đánh lận con đen này bắt đầu từ năm 2001, tiết kiệm cho nhà máy cả triệu euro/năm đồng thời tạo điều kiện cho sản phẩm PIP có lợi thế hơn các hãng khác nhờ giá rẻ.
Vụ việc chỉ đổ bể sau khi Afssaps lo lắng với tỉ lệ vỡ túi quá cao một cách bất thường, đã cử chuyên viên xuống thanh tra bất ngờ vào tháng 3-2010. Lập tức, Afssaps yêu cầu rút khỏi thị trường tất cả sản phẩm PIP dẫn đến việc nhà máy tuyên bố phá sản vì mất khả năng thanh toán nợ nần lên đến 9 triệu euro.
Tháng 2-2011, Công ty TUV Rheinland cũng khởi kiện PIP về tội “gian dối có hệ thống” khiến uy tín công ty bị ảnh hưởng xấu. Hiện nay, nhiều người trong ban giám đốc hãng PIP, trong đó có nhà sáng lập và cựu chủ tịch HĐQT Jean-Claus Mas, đang bị điều tra hình sự và đối mặt với những bản án có thể lên đến 5 năm tù giam.
Kỳ tới: Các nạn nhân nói gì ?
Bình luận (0)