Tiếp xúc với báo giới tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở TP New York - Mỹ hôm 8-10, phát ngôn viên Stephane Dujarric cho biết thông tin trên cũng như nhấn mạnh sự gia tăng rất đáng lo ngại tình trạng bạo lực, trong đó có bạo lực tình dục, đặc biệt là đối với nhà báo nữ. Theo ông Dujarric, Tổng Thư ký Guterres đã nêu vấn đề bạo lực nhằm vào nhà báo với các nước thành viên.
Theo trang Euro News, Marinova là nhà báo thứ bảy và là nhà báo nữ thứ ba bị sát hại ở châu Âu trong vòng 2 năm qua. Phần lớn họ bị sát hại khi đang điều tra về tham nhũng. "Không có dân chủ nếu không có tự do báo chí… Chúng tôi chờ đợi một cuộc điều tra nhanh chóng và triệt để để đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý" - Ủy ban châu Âu tuyên bố trên trang Twitter về vụ sát hại Marinova.
Người dân thắp nên tưởng niệm nhà báo Viktoria Marinova ở Ruse - Bulgaria hôm 8-10 Ảnh: REUTERS
Nhà báo Viktoria Marinova. Ảnh: REUTERS
Trước đó, nhà báo điều tra người Slovakia Ján Kuciak, 27 tuổi, bị sát hại hôm 25-2 năm nay và nữ nhà báo điều tra Daphne Caruana Galizia ở Malta bị giết hôm 16-10-2017. Ngoài ra, các nhà báo thiệt mạng khi đang làm việc còn có Kim Wall (Thụy Điển, 30 tuổi, chết tháng 8-2017), Dmitri Popkov (Nga, 42 tuổi, chết ngày 24-5-2017), Saeed Karimian (Iran, 45 tuổi, chết ngày 19-4-2017), Nicolai Andrushchenko (Nga, 73 tuổi, chết ngày 19-4-2017). "Chúng ta phải bảo đảm nhà báo ở mọi nơi được an toàn và có những đóng góp vô giá cho các xã hội dân chủ" - phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas nhấn mạnh.
Cùng ngày, Hiệp hội Báo chí và Nhà Xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) và Diễn đàn Biên tập viên thế giới kêu gọi điều tra lập tức cái chết của nữ nhà báo Marinova cũng như vụ mất tích của nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi hôm 2-10. Ông Khashoggi biệt vô âm tín sau khi vào lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở TP Istanbul và giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng ông này đã bị sát hại ở đó.
WAN-IFRA cũng lên án vụ sát hại nhà báo Mexico Mario Leonel Gómez Sánchez hôm 21-9 và nhà báo Somalia Abdirisak Said Osman hôm 19-9, đồng thời kêu gọi điều tra triệt để từng vụ nhằm làm giảm "văn hóa" không trừng trị hành vi tấn công nhà báo ngày càng tăng ở nhiều nơi trên thế giới.
Bình luận (0)