Lũ lụt nghiêm trọng tại miền Trung và Nam Trung Quốc tính đến ngày 5-7 đã khiến ít nhất 128 người thiệt mạng và 42 người mất tích, làm hư hại 1,9 triệu ha đất trồng trọt, hơn 40.000 tòa nhà sụp đổ và gây thiệt hại hơn 5,7 tỉ USD.
Tê liệt trong nước lũ
Theo Tân Hoa Xã, thiên tai cũng khiến hơn 1,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa tại ít nhất 11 tỉnh, thành. Ba tỉnh bị tàn phá nặng nhất là Hồ Bắc, An Huy và Quý Châu.
Riêng Hồ Bắc có hơn 47 người thiệt mạng, 10 người mất tích và khoảng 50.000 ngôi nhà hư hại. Mưa dai dẳng cả tuần đã ảnh hưởng cuộc sống của 11 triệu dân ở 17 thành phố và 80 huyện trên toàn tỉnh này. Chính quyền đã sơ tán 450.000 người và hỗ trợ 310.000 người bị ảnh hưởng.
Mạng lưới giao thông ở trung tâm TP Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, tê liệt do nước lũ. Những hình ảnh được đăng tải trên mạng cho thấy đường phố và tàu điện ở trung tâm Vũ Hán ngập trong biển nước, buộc nhiều người phải lội bộ đến chỗ làm việc.
Bị kẹt trong khách sạn vì lũ lụt, ông Chu Ba, nhà sáng lập Công ty Guangzhou Innovalley Incubation, than phiền: “Tôi không biết phải rời Vũ Hán về Quảng Đông bằng cách nào. Thời tiết thì khắc nghiệt, còn các chuyến bay liên tục hoãn”.
Không chỉ tàn phá mùa màng, lũ lụt còn làm chết hàng loạt gia súc. Ở tỉnh An Huy, khoảng 7.100 con heo, 215 con bò và 5,14 triệu con gia cầm chết trong biển nước. Còn tại tỉnh Hồ Nam, mưa lớn và lũ lụt buộc 100 đoàn tàu lửa dừng hoạt động hoặc chuyển hướng từ đêm 3-7. Hôm 4-7, khoảng 3 tấn xăng và dầu diesel của một trạm xăng tại thị trấn Ích Dương thuộc tỉnh Hồ Nam tràn ra ngoài và theo nước lũ chảy ra sông.
Giao thông ở Hồ Bắc rất khó khăn. Ảnh: Reuters
Siêu bão đe dọa
Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 5-7 đã đến các tỉnh An Huy, Hồ Nam, Hồ Bắc để gặp gỡ người dân, chỉ đạo chính quyền địa phương bảo vệ cư dân và sinh kế của họ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng ra lệnh quân đội và cảnh sát tăng cường khắc phục hậu quả thiên tai.
Thiệt hại từ lũ lụt nhiều khả năng tăng thêm bởi mực nước tại 43 con sông ở trung và hạ lưu sông Dương Tử đều vượt mức cảnh báo nguy hiểm. Chính quyền các địa phương đã điều động lực lượng giám sát khu vực này, tránh tình trạng vỡ đê giữa lúc có dự báo mưa lớn sẽ kéo dài trong những ngày tới.
Tình hình có thể thêm tồi tệ một khi siêu bão Nepartak dự kiến đổ bộ Trung Quốc sau vài ngày nữa. Theo Đài Quan sát Hồng Kông, bão Nepartak dự kiến có sức gió lên đến 145 km/giờ khi đổ bộ đại lục.
Trước khi đe dọa Trung Quốc, bão Nepartak có thể đổ bộ Đài Loan vào tối 7-7 (giờ địa phương). Chỉ trong vòng 48 giờ, Nepartak từ một cơn bão nhiệt đới với sức gió 110 km/giờ đã nhanh chóng mạnh lên thành siêu bão với sức gió lên đến 240 km/giờ và có thể còn tăng lên.
Theo Trung tâm Cảnh báo bão kết hợp (JTWC), lượng mưa nhiều khả năng vượt quá 100 mm trên khắp Đài Loan sau khi bão đổ bộ, tạo nên những con sóng cao tới 13 m ngoài biển.
Cơ quan Quốc phòng Đài Loan ngày 6-7 cho biết hơn 35.000 quân nhân đang trong tư thế sẵn sàng cho hoạt động cứu hộ. Theo đài CNN, siêu bão dự kiến đổ vào bờ biển phía Đông Đài Loan với sức gió có thể lên đến 253 km/giờ. Khu vực này không có nhiều dân cư sinh sống nhưng địa hình gồ ghề của hòn đảo làm tăng nguy cơ lũ lụt và lở đất khi xảy ra bão.
Bình luận (0)