Doanh nghiệp ngành dịch vụ phải lựa chọn giữa cắt giảm lao động hoặc đối mặt với phá sản chỉ còn là vấn đề thời gian nếu dịch Covid-19 kéo dài.
Những con số kỷ lục
Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế số 1 thế giới ghi nhận thêm 881.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần cuối tháng 8. Đây là lần thứ hai số lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã giảm xuống dưới mức 1 triệu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trước thời điểm dịch bệnh, số lao động nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong một tuần chưa bao giờ vượt qua mức 700.000 kể cả trong giai đoạn kinh tế suy thoái từ năm 2008-2009.
Do tác động của lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, các doanh nghiệp ở Mỹ đã cắt giảm hàng triệu việc làm và chỉ khôi phục một phần trong những tháng gần đây khi nhiều bang ở nước này bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế. Ông Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cấp cao của trang Bankrate.com, cho biết: "Thực tế, đây là những con số rất cao và chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng mất việc làm trong những tuần và tháng tới".
Số người thất nghiệp ở Trung Quốc ước tính khoảng hơn 27 triệu người, tính đến hè năm 2020, trong đó có phần đông trong số 8,7 triệu sinh viên vừa tốt nghiệp đại học Ảnh: SCMP
Một báo cáo được Công ty Tư vấn việc làm và Đào tạo Challenger, Gray & Christmas công bố hôm 3-9 cho thấy tình hình cắt giảm việc làm tại Mỹ từ đầu năm tới nay đã tăng vọt 231% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại kinh tế Mỹ. Theo báo cáo, dù tốc độ sa thải nhân viên đang chậm lại nhưng số lượng cắt giảm việc làm được các nhà tuyển dụng công bố mới đây là 1,963 triệu, vượt mức kỷ lục trong một năm từng được ghi nhận hồi năm 2001 là 1,957 triệu việc làm. Tổng cộng có 29,2 triệu người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp vào cuối tháng 8.
Các hãng hàng không là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sự sụt giảm mạnh nhu cầu đi lại. Riêng ngành vận tải đã cắt giảm đến 131.571 việc làm trong năm nay, tăng 482% so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu này chưa bao gồm việc hãng hàng không Mỹ United Airlines thông báo sẽ cắt giảm thêm 16.000 việc làm trong tháng 10 tới.
Ông Greg Jensen, đồng giám đốc phụ trách thông tin của Công ty Quản lý đầu tư Bridgewater Associates (Mỹ), hôm 1-9 cho rằng gói kích thích mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ duy trì đà hồi phục cần đạt quy mô từ 1.300 - 1.700 tỉ USD. "Quy mô gói kích thích trên phụ thuộc vào các mục tiêu chi tiêu. Gói kích thích này sẽ dùng USD bơm trực tiếp vào nền kinh tế nên hiệu quả mang lại lớn hơn so với việc dùng USD để ngăn chặn các tác động tiêu cực có thể xảy ra" - ông Jensen cho biết trong cuộc phỏng vấn của đài CNBC.
Quan điểm của ông Jensen được đưa ra sau khi các thành viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tiếp tục tranh cãi về quy mô và phạm vi của dự luật gói kích thích mới nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế trong bối cảnh hàng triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp và doanh nghiệp đang vật lộn với tình trạng kinh doanh gián đoạn vì dịch Covid-19.
Nỗi lo còn đó
Dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại nhiều nước châu Âu. Thực tế này được phản ánh qua những con số thống kê về tỉ lệ thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế âm tại nhiều nước. Mạng lưới Nợ Tiêu dùng châu Âu (ECDN) ước tính 10% hộ gia đình trong Liên minh châu Âu (EU) đang có vấn đề về nợ. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách Bruegel (Bỉ) cho biết kể cả trước khi đại dịch xảy ra, gần 1/3 hộ gia đình châu Âu đã không đủ tiền cho các chi phí phát sinh. Các hộ gia đình tại các quốc gia Nam Âu thậm chí còn có tài chính eo hẹp hơn.
Cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra cũng tàn phá nặng nề thị trường lao động vốn mong manh của châu Á. Tại Trung Quốc, tỉ lệ thất nghiệp của nước này giảm nhẹ 5,7% trong tháng 6 so với mức 5,9% một tháng trước đó nhưng lực lượng lao động nhập cư lại không được đưa vào thống kê này. Theo ông Mark Williams, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế châu Á tại Trung tâm Capital Economics (Anh), số liệu chính thức cho thấy ít nhất 500.000 doanh nghiệp tại Trung Quốc đã giải thể trong quý I/2020 và số doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa sẽ còn tăng. Trong khi đó, việc thúc đẩy nhu cầu trong nước của Trung Quốc cũng sẽ mất thời gian trong bối cảnh người tiêu dùng lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch cũng như mất việc, dẫn đến xu hướng tiết kiệm hơn chi tiêu mua sắm.
"Cú sốc Covid-19" đã tàn phá nặng nề nhất đối với lĩnh vực dịch vụ, từ nhà hàng, khách sạn đến du lịch và giải trí. Đây đều là những ngành chiếm tỉ lệ việc làm cao nhưng đang phục hồi chậm. Theo tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản), việc doanh nghiệp ngành dịch vụ phải lựa chọn giữa cắt giảm nhân công hoặc đối mặt với phá sản chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thiệt hại kép cho nền kinh tế số 2 thế giới
Công xưởng thế giới, danh xưng cho ngành công nghiệp gia công của Trung Quốc, tổn thất nghiêm trọng khi Trung Quốc đối mặt với cơn bão kép từ dịch bệnh và sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mô hình gia công từng đem lại cho Trung Quốc hàng tỉ USD lợi nhuận có nguy cơ đánh mất lợi thế về chi phí trước các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á. Mặt khác, dịch bệnh bùng phát đã gây thiệt hại lớn cho ngành gia công Trung Quốc khi hàng loạt đơn đặt hàng từ nước ngoài bị hủy. Số liệu thống kê cho thấy 600 triệu lao động ở Trung Quốc chỉ có thu nhập 1.000 nhân dân tệ/tháng (tương đương 146 USD/tháng). Đây sẽ là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu số doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa còn tiếp tục tăng.
Kỳ tới: Những giải pháp "chưa từng có"
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-9
Bình luận (0)