Hơn 300 năm kể từ khi các nước phương Tây bắt đầu quá trình công nghiệp hóa, họ làm chủ các đại dương thế giới để thống trị đất liền. Phần lớn các cường quốc hàng hải của thế kỷ XIX chẳng còn mấy nước đi qua hết thế kỷ XX. Ðầu thế kỷ XXI, thay thế vào vị trí của họ là các cường quốc biển mới trỗi dậy, thách thức vị trí chủ đạo của các cường quốc biển còn lại. Một vài nước trong số họ đang tích cực mở rộng không gian sinh tồn của mình, chèn lấn và thu hẹp không gian sinh tồn của những nước nhỏ hơn.
Các cuộc tranh chấp ồn ào nhất hiện nay đang diễn ra liên quan đến quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư, Hoàng Sa - Trường Sa. Kiểm soát chúng, người ta sẽ có các nguồn dự trữ về năng lượng, kim loại quý, các kho cá khổng lồ cho tương lai và làm chủ các con đường biển huyết mạch. Những yêu sách lãnh hải rộng lớn của Trung Quốc đặt quốc gia này vào thế đối đầu với hầu hết các nước trong khu vực và các nước lớn liên quan luôn chống lại nỗ lực của bất kỳ nước nào tìm cách độc bá các vùng biển Ðông Á.
Tại biển Hoa Ðông, Tokyo khởi xướng việc chuyển giao 3 trong số 5 hòn đảo của quần đảo Senkaku từ tay tư nhân thành sở hữu nhà nước, kích hoạt cuộc khủng hoảng ngoại giao với Bắc Kinh, đẩy hai cường quốc biển mạnh nhất ở châu Á vào tình trạng đối đầu trực diện. Tình trạng công thủ trên biển diễn ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong mấy tháng qua giống như một cuộc chiến tiêu hao sinh lực cho dù chưa một tiếng súng nào được nghe thấy. Cả Nhật Bản và Trung Quốc thấy rằng bất cứ ai chiến thắng ở Senkaku/Ðiếu Ngư sẽ có cơ hội chiến thắng trong các bất đồng khác.
Tuy nhiên, cuộc tranh chấp tại biển Hoa Ðông khó leo thang thành xung đột vũ trang do Nhật Bản có liên minh quân sự với Mỹ. Ðầu tháng 12 vừa rồi, thượng nghị viện Mỹ đã thông qua một văn bản tái khẳng định cam kết của Mỹ với Nhật Bản theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh, cảnh báo rằng một cuộc tấn công vũ trang vào "trong các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản quản lý" sẽ vi phạm các điều khoản của hiệp ước này. Theo thượng nghị sĩ Jim Webb, "văn bản sửa đổi này khẳng định rõ ràng việc Mỹ công nhận sự quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku và lập trường này sẽ không thay đổi trước các mối đe dọa, ép buộc hay hành động quân sự".
Trung Quốc đã bộc lộ ý đồ biến biển Ðông thành lãnh hải riêng. Bắc Kinh đã tuần tự xây dựng thành phố Tam Sa, phát hành loại hộ chiếu in chìm đường chín đoạn bao trọn biển Ðông, trao quyền cho cảnh sát biển Trung Quốc chặn bắt, khám xét các tàu "xâm nhập trái phép" vào vùng biển Ðông... Ðiều này vi phạm lãnh hải các nước trong khu vực cũng như cản trở tự do lưu thông hàng hải, thách thức quyền tự do hàng hải quốc tế.
Giữa tam giác của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa, có độ sâu 5.000 m, là vùng sâu nhất của biển Ðông, Trung Quốc muốn tạo vùng hoạt động an toàn cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể uy hiếp lãnh thổ Mỹ, Ấn Ðộ và một số nước lớn khác. Mỹ đã khởi động thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ðông Á, trong đó Philippines là một bộ phận. Biển Ðông trở thành nơi "ngọa hổ tàng long".
Sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột ở Ðông Á giúp hải quân Mỹ duy trì sự hiện diện lâu dài tại khu vực, với động cơ chính là kiềm chế sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc. Bắc Kinh vừa tái khẳng định mục tiêu phát triển thành "cường quốc biển". Hải quân, binh chủng "con cưng" của Trung Quốc, sẽ nỗ lực bứt phá hai tuyến phòng vệ hải đảo của Mỹ, vươn ra Thái Bình Dương, Ấn Ðộ Dương. Hải quân Nhật Bản từ cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay được trao sứ mệnh mới, với cách tiếp cận rất khác so với chính sách an ninh mà nước này theo đuổi từ sau năm 1945. Các sự kiện kết nối dường như báo hiệu một mùa dông bão mới trên biển mới chỉ bắt đầu.
Bình luận (0)