Một loạt yếu tố đang kết hợp lại như để xua tan phần nào sự u ám bao trùm các thị trường tài chính cuối năm 2022. Chúng làm dấy lên hy vọng thế giới có thể tránh rơi vào cảnh suy thoái kinh tế. Đó là các yếu tố: Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại sớm hơn dự kiến, mùa đông ấm hơn bình thường ở châu Âu (nơi thiếu năng lượng trầm trọng) và lạm phát liên tục lao dốc ở Mỹ.
Nhạc điệu lạc quan
Nhưng, theo Bloomberg, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số ngân hàng trung ương khác vẫn đang đẩy mạnh lãi suất cao hơn, nguy cơ suy thoái có thể diễn ra vào cuối năm 2023 - nhất là nếu lạm phát lại dâng lên, không lao dốc nhiều như mức các ngân hàng trung ương mong muốn.
Ông Jan Hatzius, Kinh tế trưởng Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), nói tại một hội thảo rằng con đường hẹp quá để kinh tế có thể hạ cánh êm ái, những nhà hoạch định chính sách sẽ đụng phải khó khăn khi cần cân đong đo đếm để kinh tế có thể hạ cánh mềm.
Ông cho rằng chuyện trên không hề dễ dàng nhưng vẫn mong họ thành công. Những nhà đầu tư trên khắp thế giới này chắc cũng vậy. Cổ phiếu tại các thị trường mới nổi vẫn đang lao dốc trong khi ngược lại, trái phiếu doanh nghiệp lại tăng. Bởi nhà đầu tư đang mong đợi và hy vọng kinh tế thế giới sẽ thoát khỏi cảnh lạm phát quá trầm trọng, đáng sợ nhất trong nhiều thập kỷ, mà không rơi vào suy thoái.
Bloomberg phân tích là sự lạc quan đã nổi lên nhưng theo hướng thận trọng.
Hiện nay, trên toàn thế giới, áp lực của việc giá tăng đang giảm bớt; một phần do tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại thấy rõ, một phần do các chuỗi cung ứng đã dần bung ra, sau khi bị trói buộc bởi đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 6,5% trong tháng 12-2022 so với một năm trước đó và như vậy đã là giảm (từ mức cao 9,1% trong tháng 6-2022).
Việc Trung Quốc thay đổi chính sách phòng chống COVID-19 và mở cửa nền kinh tế trước Tết Nguyên đán là tín hiệu vui với kinh tế thế giới. Ảnh: REUTERS
Một khi giảm, theo Bloomberg, lạm phát sẽ thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm. Trước đó, họ đã phải ra sức siết chặt hầu bao trước việc giá cả tăng cao, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu như năng lượng, thực phẩm và tiền thuê nhà.
Lạm phát giảm còn giúp các ngân hàng trung ương giảm việc tăng lãi suất, qua đó giảm bớt lo ngại của những nhà đầu tư. Bởi họ lo sợ những nhà hoạch định chính sách sẽ đi quá đà và sẽ "phá vỡ cái gì đó" trên thị trường.
Mỹ không giảm lãi suất nhiều
Ông Jerome Powell, Chủ tịch FED, cùng đồng nghiệp dự báo sẽ giảm việc tăng lãi suất xuống mức 0,25 điểm %, khi họ họp với nhau về chính sách vào ngày 31-1 đến 1-2.
Trong thời gian gần đây, họ cũng chẳng ấn định lãi suất quá cao, xem như những bước lùi. Nhờ đó, theo Bloomberg, xu hướng tăng giá quá nhanh của đồng USD bị đảo ngược, giảm bớt áp lực lên các ngân hàng trung ương khác trong việc phải "đồng thanh đồng hội" với FED trong việc tăng lãi suất.
Bà Megan Greene, Giám đốc kinh tế toàn cầu của Viện Nghiên cứu Kroll, cho biết: "Chúng ta đã chứng kiến sức mạnh đồng USD đạt đỉnh rồi".
Những điểm cộng khác: Thị trường lao động thế giới vẫn không biến động gì nhiều, trong khi có thể nhận thấy thu nhập của gia đình và doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện.
Khi giá năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, tăng mạnh trong năm 2022 thì suy thoái kinh tế ở châu Âu được xem như sẽ xuất hiện. Nhưng nay không còn nữa - ông Jan Hatzius nêu quan điểm như vậy. Cũng theo ông, nay châu Âu đã thoát khỏi cảnh bị suy thoái.
Nhờ thời tiết mùa đông ôn hòa cùng nỗ lực phối hợp để tăng nguồn cung và mở rộng nhà cung cấp để bù đắp cho lượng hàng nhập khẩu bị mất từ Nga nên kinh tế khu vực đồng euro đã phát triển tốt hơn mong đợi. Bloomberg nêu bật việc sản xuất công nghiệp ở Đức đã tăng trong tháng 11-2022 bất chấp sự phụ thuộc nặng nề của nước này vào việc cung cấp năng lượng từ Nga.
Ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức, nói rõ: "Nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế của ngành công nghiệp châu Âu, theo như những gì chúng ta có thể thấy, đã được ngăn chặn kịp thời". Đức cũng sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc từ bỏ chính sách "zero COVID-19" để mở cửa lại nền kinh tế. Cũng cần biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức.
Thị trường chứng khoán Mỹ gần đây khởi sắc nhưng các chuyên gia cảnh báo cần thận trọng Ảnh: REUTERS
Do Trung Quốc mở cửa lại
Theo Bloomberg, các ngân hàng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Mỹ đang bận rộn nâng cấp các dự báo về sự tăng trưởng kinh tế cho Trung Quốc sau khi nước này đổi chính sách phòng chống COVID-19. Ngân hàng Barclays đã nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc lên 4,8% cho năm 2023, từ mức 3,8% dự báo trước đó. Ngân hàng Morgan Stanley hiện cho rằng mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ là 5,7% thay vì 4,4% như ước tính trước đó.
Đương nhiên, trên đường phục hồi, Trung Quốc sẽ phải đối mặt những trở ngại. Tuy vậy, sự kết hợp giữa việc giá bất động sản sụt giảm và sự hỗ trợ nhiều hơn của chính phủ cho thị trường nói chung có thể đồng nghĩa việc triển vọng kinh tế Trung Quốc sẽ tốt hơn so với những gì nhiều người đã dự đoán vào cuối năm 2022.
Một chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs cho biết: "Chúng tôi đang mong đợi một kiểu phục hồi hình chữ V (của Trung Quốc) như đã thấy ở nhiều nền kinh tế từng đóng cửa vì COVID-19".
Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa lại có thể làm phức tạp thêm câu chuyện lạm phát toàn cầu. Bởi nhu cầu ở nước này được kích thích, làm tăng giá dầu và nhiều loại sản phẩm khác. Chuyện như thế sẽ khiến FED và các ngân hàng trung ương khác có phản ứng lại.
Vẫn phải thận trọng
Nhiều chuyên gia kinh tế đang hy vọng FED có thể kiềm chế lạm phát vẫn đang gia tăng - cho dù không cao - nhưng không đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. Bởi báo cáo về việc làm tháng 12-2022 cho thấy mức độ tăng lương đã giảm bớt trong khi tỉ lệ thất nghiệp đã trở lại mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Nhà kinh tế trưởng Torsten Slok của Tập đoàn Apollo Global Management nhận xét: "Có vẻ tháng 12 vừa qua là một cú hạ cánh nhẹ nhàng".
Bất chấp sự lạc quan vừa "hé mở", Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế đối với hầu hết các quốc gia và khu vực. Đồng thời, ngân hàng này cảnh báo những cú sốc mới vẫn có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo ông Bruce Kasman, Kinh tế trưởng của Ngân hàng JPMorgan Chase, trong ngắn hạn, nguy cơ suy thoái toàn cầu đã giảm bớt. Tuy nhiên, khả năng xảy ra suy thoái lại lên đến 70% vào cuối năm 2023 hoặc 2024. Theo ông, áp lực về giá cả và chi phí có thể vẫn còn dai dẳng và tăng cao đối với FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu. Như thế có thể sẽ khiến cho việc phục hồi của kinh tế thế giới kết thúc.
Ông nhận xét: "Suy thoái là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn".
Bình luận (0)