Tạp chí Newswekk hôm 6-12 cho biết trên đây là báo cáo của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (ISIS).
Trong những năm gần đây, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng có những cách thức "né" lệnh trừng phạt, đồng thời tìm kiếm các nước sẵn sàng làm ăn với mình.
Cụ thể, Triều Tiên nhắm mục tiêu vào các quốc gia đang siết chặt xuất khẩu đối với nước này, dùng công ty bình phong hoặc các bên liên quan để tránh lệnh trừng phạt.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên dường như không có hiệu quả. Ảnh: NEWSWEEK
Sau các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), Triều Tiên tiếp tục hứng chịu các biện pháp trừng phạt mới liên quan đến ngành công nghiệp dệt may và năng lượng hồi tháng 9.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley kêu gọi tất cả các nước "cắt đứt thương mại với Bình Nhưỡng bằng cách dừng tất cả mặt hàng nhập khẩu và xuất khẩu cũng như trục xuất người lao động Triều Tiên".
Nhưng báo cáo của ISIS hôm 5-12 cho thấy vẫn còn nhiều nước sẵn sàng giao dịch với Triều Tiên. Theo đó, ít nhất 13 chính phủ bị phát hiện vi phạm lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên liên quan đến lĩnh vực quân sự, bao gồm xuất khẩu thiết bị quân sự cho nước này. Một số nước có tên trong danh sách như Angola, Cuba, Iran, Myanmar, Sri Lanka, Syria và Uganda.
Bị trừng phạt nhưng Triều Tiên vẫn đạt được tiến bộ vượt bậc trong chương trình vũ khí hạt nhân. Ảnh: NEWSWEEK
Ngoài ra, 19 quốc gia khác (Bulgaria, Đức, Ba Lan, Rumani, Nga...) đã vi phạm các biện pháp trừng phạt phi quân sự hoặc tạo điều kiện cho các giao dịch tài chính với Triều Tiên. 18 nước, bao gồm cả các nền kinh tế lớn như Ấn Độ và Trung Quốc, còn nhập khẩu hàng hóa và khoáng sản nằm trong danh sách cấm từ Triều Tiên.
"Mạng lưới thương mại ở nước ngoài của Triều Tiên đã phát triển các phương pháp tinh vi để né tránh lệnh trừng phạt... Hơn nữa, trong những năm vừa qua, nhiều nước đã thiếu sự quan tâm hoặc kỹ thuật để thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt của LHQ, dẫn đến việc thực hiện không đồng đều ở cấp độ toàn cầu" – chuyên gia về Triều Tiên Daniel Wertz nói với Newsweek.
"Gần đây, Mỹ đã gây nhiều áp lực về mặt ngoại giao đối với các quốc gia nhằm thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Mỹ ngày càng sẵn sàng áp dụng lệnh trừng phạt đơn phương đối với các thực thể của nước thứ ba nếu họ tạo điều kiện cho hành vi vi phạm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên" – chuyên gia Wertz nói thêm.
Trong khi đó, chuyên gia Mark Goldberg bình luận rằng thật khó để tất cả thành viên LHQ đồng ý với lệnh trừng phạt và buộc họ thực hiện lệnh trừng phạt thậm chí còn phức tạp hơn.
Bình luận (0)