Cử tri Pháp ngày 23-4 đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống được theo dõi sát sao vì vai trò quan trọng của nó đối với tương lai châu Âu.
4 ứng viên sáng giá
Hơn 50.000 cảnh sát được điều động bảo vệ 67.000 điểm bỏ phiếu trong bối cảnh an ninh được siết chặt sau vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris 3 ngày trước đó. Hôm 22-4, một người đàn ông cầm dao bị bắt tại trạm tàu Gare du Nord ở Paris trong vụ việc khiến nhiều hành khách hoảng sợ.
Cuộc bầu cử chứng kiến cuộc đua giữa 11 ứng viên. Hai người dẫn đầu sẽ bước vào vòng 2, dự kiến diễn ra ngày 7-5 tới, nếu không có ứng viên nào giành hơn 50% phiếu bầu. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron của Đảng En Marche! sẽ dẫn đầu vòng đầu tiên và đánh bại nữ thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen khi 2 ứng viên này bước vào vòng 2.
Tuy nhiên, trong bối cảnh 1/3 cử tri chưa biết bỏ phiếu cho ai trước thềm bầu cử, bất kỳ kịch bản nào cũng có thể xảy ra. Theo hãng tin Reuters, uy tín ứng viên bảo thủ Francois Fillon đã hồi phục phần nào trước thềm bầu cử sau khi dính líu đến bê bối việc làm giả trong nhiều tháng qua. Ngoài ra, tỉ lệ ủng hộ đối với ứng viên cánh tả Jean Luc Melenchon đã tăng trong vài tuần gần đây.
Vì thế, 4 ứng viên này đều có cơ hội có mặt trong vòng 2. Trong khi đó, cơ hội dành cho 7 ứng viên còn lại, gồm cả ông Benoit Hamon thuộc Đảng Xã hội cầm quyền, là không nhiều.
Một cuộc đối đầu giữa bà Le Pen và ông Macron trong vòng 2, nếu có, sẽ đánh dấu những thay đổi mạnh mẽ của chính trường Pháp bởi sự vắng mặt của ứng viên những chính đảng từng thay nhau cầm quyền nhiều thập kỷ qua.
“Đó không phải là sự chia rẽ truyền thống giữa phe cánh tả với phe cánh hữu mà là cuộc đối đầu giữa 2 quan điểm khác biệt về thế giới. Ông Macron tự cho mình là người tiến bộ đang chống lại phe bảo thủ, trong khi bà Le Pen xem mình là người yêu nước và đối đầu với người theo chủ nghĩa toàn cầu” - ông Jerome Fourquet, chuyên gia của Công ty Nghiên cứu dư luận và Thị trường Ifop (Pháp), nhận định với Reuters.
Ẩn số Le Pen
Cuộc bầu cử Pháp lần này thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư. Họ lo ngại cú sốc mang tên Le Pen có thể làm gia tăng nỗi lo về tương lai của khu vực đồng euro. Trong chiến dịch tranh cử, bà Le Pen từng cam kết sẽ đưa Pháp rời khỏi khu vực đồng euro, sử dụng lại đồng franc và “nói không” với các hiệp ước quốc tế.
“Các thị trường sẽ đối mặt cơn địa chấn còn lớn hơn cả chiến thắng của ông Donald Trump và sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu nếu bà Le Pen lên nắm quyền và hoài nghi về tương lai của euro” - ông Paul Griffiths, một giám đốc đầu tư tại Công ty First State Investments (Anh), cảnh báo trên tờ The Wall Street Journal.
Chiến thắng của ông Melenchon cũng sẽ không khiến châu Âu thấy vui hơn. Nhân vật này đang muốn cải tổ mạnh mẽ Liên minh châu Âu và tổ chức trưng cầu ý dân về việc Pháp có nên rời khối này hay không. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng châu Âu sẽ không quá hồ hởi nếu hai ứng viên Le Pen và Melenchon đối đầu trong vòng 2 bởi một kết quả như thế mang lại rủi ro cho kinh tế toàn cầu.
Nhận định về cuộc bầu cử khó đoán nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng vụ tấn công mới nhất ở Paris có thể giúp tăng cơ hội chiến thắng của bà Le Pen. Nữ ứng viên này từng cáo buộc chính phủ Pháp hiện tại không quyết liệt với khủng bố, đồng thời kêu gọi trục xuất ngay lập tức bất cứ người nước ngoài nào liên quan đến chủ nghĩa cực đoan hay bị nghi ngờ là một mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Trong khi đó, ông Macron tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ thiết lập một đơn vị đặc biệt chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Macron mô tả cuộc chiến chống khủng bố là “một thách thức đối với nền văn minh”.
Bình luận (0)