Trong cuộc họp báo chiều 29-10, Giám đốc Novie Riyanto của Cơ quan điều hành bay Indonesia, AirNav, cho biết phi công chuyến bay số hiệu JT610 đã yêu cầu trạm kiểm soát không lưu cho máy bay quay trở lại điểm xuất phát ở thủ đô Jakarta. Nhưng cuối cùng, nó vẫn bị rơi ngoài khơi bờ biển Indonesia, khoảng 13 phút sau khi cất cánh và bị mất liên lạc.
Dữ liệu từ trang web FlightRadar24 cho thấy máy bay gặp trục trặc khoảng 2 phút sau khi đạt tới độ cao 610 m. Tiếp đến, nó hạ xuống độ cao 152 m trước khi rẽ trái và bay lên cao khoảng 1,52 km. Vận tốc của máy bay trước khi mất liên lạc ước tính 639 km/h.
Các túi đựng thi thể được cho là từ chuyến bay JT610. Ảnh: Reuters
Các quan chức cứu hộ Indonesia xác nhận họ tìm thấy một số phần cơ thể, mảnh vỡ máy bay, áo phao và điện thoại di động tại hiện trường vụ tai nạn, nằm cách bờ biển 15 km.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho Ủy ban An toàn Giao thông vận tải Quốc gia điều tra sự cố. Ông Widodo cũng cho biết lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết mình để tìm kiếm các nạn nhân, đồng thời kêu gọi người dân Indonesia "tiếp tục cầu nguyện".
Phát biểu tại đảo Bali trong lúc tham dự một hội nghị tại đây, ông Widodo bày tỏ sự chia buồn đối với gia đình những người gặp nạn và hy vọng họ có thể giữ bình tĩnh.
Theo một quan chức của Lion Air, có hai người nước ngoài trên máy bay gồm phi công Bhavye Suneja (sống ở thủ đô New Delhi - Ấn Độ) và một công dân Ý.
Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Reuters
Giám đốc điều hành Lion Air, ông Edward Sirait, thừa nhận máy bay từng gặp "vấn đề kỹ thuật" trên một chuyến bay trước đó nhưng vấn đề đã được giải quyết "theo quy trình" sau chuyến bay từ Denpasar đến Cengkareng.
Công ty Boeing, đơn vị phát triển và chế tạo chiếc Boeing 737 MAX 8, đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân và đề nghị giúp nhà chức trách Indonesia điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Phát ngôn viên Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia, Yusuf Latief, cho biết có khả năng sẽ không còn người nào sống sót.
Indonesia là một trong những nước có lĩnh vực hàng không phát triển nhanh nhất thế giới nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề về an toàn.
Nếu toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chiếc Boeing 737 MAX 8 nói trên thiệt mạng, đây sẽ là thảm họa hàng không tồi tệ thứ hai của quốc gia này kể từ năm 1997.
Bình luận (0)