Dù vậy, sau 12 tháng tham chiến, Moscow dường như vẫn chưa đến gần một trong những mục tiêu đề ra: Phối hợp với Mỹ trong các sứ mệnh chiến đấu ở Syria. Chưa hết, triển vọng về một giải pháp ngoại giao cho cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này vẫn còn mờ mịt.
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), 1 năm không kích của Nga tại những khu vực không do chính phủ Syria kiểm soát đã giết chết hơn 9.300 người, làm hàng chục ngàn người mất nhà cửa. AP nhận định chiến dịch ít nhiều nêu bật những khả năng quân sự mới hơn của Nga cũng như là bằng chứng cho thấy Tổng thống Vladimir Putin không ngần ngại “động binh” để bảo vệ đồng minh - nhất là khi đồng minh này đang cho Moscow đặt căn cứ quân sự quan trọng ở Địa Trung Hải.
Đáng chú ý hơn, sự can dự này bảo đảm Nga có tiếng nói trong quá trình tìm giải pháp cho cuộc nội chiến với hy vọng vị thế tại khu vực được giữ vững. Nó cũng đánh dấu sự trở lại vũ đài quốc tế của Nga trong vai trò của một cường quốc giữa lúc Moscow và phương Tây đang căng vì khủng hoảng Ukraine. “Ông Putin có một số mục tiêu khi can thiệp vào Syria. Một trong số đó là chứng minh Nga hiện là cường quốc toàn cầu” - ông Evelyn Farkas, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Atlantic, trụ sở ở thủ đô Washington - Mỹ, nhận định.
Ở chiều ngược lại, bước đi trên của Nga đang làm phức tạp hơn nỗ lực tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhất là từ phía liên quân do Mỹ đứng đầu. Điện Kremlin hôm 29-9 tuyên bố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự tại Syria, bất chấp lời kêu gọi tạm ngưng từ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Washington sau đó gọi chiến dịch tấn công TP Aleppo mà quân đội Syria và không quân Nga đang tiến hành là “món quà” dành cho IS bởi nó chỉ gây ra sự chết chóc; thúc đẩy thêm nhiều người gia nhập tổ chức lâu nay vẫn lợi dụng sự hỗn loạn ở Syria để phát triển này.
Những tranh cãi trên không ngăn được chuyên gia về Trung Đông Firas Abi Ali nhận định IS sẽ bị đánh bại vào cuối năm 2017 - một dự báo lạc quan mà phải mất hơn 1 năm nữa để được kiểm chứng. Điều dư luận quan tâm lúc này, theo tờ Los Angeles Times, là Nga sẽ còn “sa lầy” ở Syria đến khi nào và liệu Moscow sẽ giành được “chiến thắng” cuối cùng như mong muốn hay không.
Sự sụp đổ của lệnh ngừng bắn mới nhất - dẫn đến chiến sự leo thang và giáng đòn mạnh vào khả năng hợp tác Mỹ - Nga tại Syria - báo hiệu sự bế tắc đang chờ Moscow trước mắt. “Vẫn chưa rõ phải làm gì tiếp theo. Ông Assad đã được cứu nhưng tình hình hiện tại không phải là điều chúng tôi kỳ vọng” - ông Sergei Strokan, một nhà phân tích tại Moscow, thừa nhận với tờ Los Angeles Times.
Sức ép lên Nga có thể càng tăng sau khi Nhà Trắng trong tuần này cho biết đang cân nhắc các biện pháp cứng rắn hơn nhằm vào chính phủ và quân đội Syria để trả đũa chiến dịch tấn công Aleppo, trong đó có cả lựa chọn quân sự. Nếu Washington quả thực làm thế, Damascus có thể phải trả giá đắt cho những chiến thắng đạt được với sự giúp sức của Moscow. “Người Nga cần phải suy tính cẩn thận hơn… Nước Nga giờ đây có trách nhiệm hàng đầu trong việc tái thiết Syria” - ông Farkas nhắc nhở.
Bình luận (0)