Một số trẻ sơ sinh nằm trong cũi quấy khóc, số khác được ẵm bồng hoặc cho bú bình. Thoạt nhìn ngỡ đang ở trong phòng chăm trẻ của một nhà hộ sinh nào đó, thực tế lại là một trong 2 phòng tiếp khách tại một nơi được gọi là "khách sạn Venice" ở ngoại ô thủ đô Kiev. Báo Anh The Guardian mô tả bốn phía xung quanh là những bức tường giăng dây thép gai.
Gióng lên hồi chuông cảnh báo
Những đứa trẻ là con của những cặp vợ chồng nước ngoài, do những người phụ nữ đẻ thuê người Ukraine sinh ra. Những phụ nữ này thuộc Trung tâm Sinh sản con người BioTexCom, có trụ sở tại Kiev và được cho là "nhà máy đẻ thuê" lớn nhất thế giới. Những đứa bé bị mắc kẹt trong khách sạn vì bố mẹ thật sự của chúng không thể đến hoặc ra khỏi Ukraine, kể từ khi biên giới bị đóng cửa vào tháng 3 do dịch Covid-19.
Những ông bố, bà mẹ lo lắng kiểm tra tình hình những đứa con mà họ chưa bao giờ gặp mặt qua các cuộc gọi video hoặc gửi những bản ghi âm giọng nói của họ để dỗ dành con. BioTexCom đăng tải một đoạn video từ khách sạn vào giữa tháng 5 cho thấy cảnh khổ, nhằm vận động cho việc nới lỏng lệnh đóng biên giới tại Ukraine.
Từ lâu, đẻ thuê ở Ukraine đã gây chú ý trên toàn thế giới. Thế nhưng, vài tháng trở lại đây, chuyện 50 trẻ sơ sinh mắc kẹt bên trong khách sạn Venice mới thật sự gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức và quy mô của ngành công nghiệp hái ra tiền này. Tờ The Guardian dẫn lời Mykola Kuleba - thanh tra về quyền trẻ em ở Ukraine - cho biết việc cải cách một hệ thống mà ông mô tả là đang vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em là không đủ, các dịch vụ đẻ thuê cho các cặp vợ chồng nước ngoài ở Ukraine nên bị cấm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thiếu hụt tiền mặt, thu nhập bình quân đầu người 300 bảng Anh/tháng (hơn 8,6 triệu đồng) và xung đột với Nga vẫn tiếp diễn, nhiều phụ nữ Ukraine nghèo khó (nhất là ở các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn) hằng ngày xếp hàng đi đẻ thuê kiếm tiền nuôi thân, bất chấp việc họ có thể phải trả giá đắt cả về sức khỏe lẫn tinh thần.
Y tá chăm sóc trẻ sơ sinh được đẻ thuê tại khách sạn Venice ở Kiev - Ukraine Ảnh: Reuters
Phận "máy đẻ"
Tại TP Vinnytsia, phía Tây Nam thủ đô Kiev, người phụ nữ tên Liudmyla (39 tuổi) đang chờ được nhận phí sinh con, sau khi sinh một bé gái cho cặp vợ chồng người Đức hồi tháng 2. Liudmyla thường xuyên nhắn tin cho dịch vụ đẻ thuê của mình (không phải BioTexCom), vẫn còn nợ cô khoảng 6.000 euro (khoảng 156 triệu đồng). Liudmyla cho biết: "Họ luôn nói với tôi rằng số tiền chưa thể được chuyển vì lệnh phong tỏa".
Liudmyla được thụ tinh ở Kiev, phần lớn thời gian mang thai ở TP Vinnytsia, song dịch vụ đẻ thuê yêu cầu cô phải đến Ba Lan sinh con để đứa bé có thể đăng ký khai sinh ở nước này. Nhân viên bệnh viện ở Ba Lan không hề biết rằng Liudmyla chỉ là người đẻ thuê, vì hoạt động này bị cấm ở Ba Lan, cũng như ở hầu hết các nước châu Âu. Sau 2 ngày chăm sóc đứa bé trong phòng hộ sinh, Liudmyla vô cùng đau lòng khi phải xa con.
Là mẹ đơn thân, nhiều năm qua Liudmyla phải vật lộn để lo được chỗ ở cho 3 đứa con. Do đó, năm 2017, cô đăng ký đẻ thuê để xoay xở trả khoản tiền ban đầu khi mua một căn hộ tại Vinnytsia. Sau đó, dù từng bị đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt do biến chứng trong thai kỳ, Liudmyla vẫn quyết định đăng ký đẻ thuê lần nữa để chi trả phần lớn khoản vay mua căn hộ mới.
Đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng mỗi năm, ước tính có hàng ngàn trẻ em được sinh ra nhờ phương pháp đẻ thuê ở Ukraine. 80% những đứa trẻ này là con của các cặp vợ chồng nước ngoài. Họ chọn Ukraine vì mang thai hộ ở nước này là hợp pháp và rẻ tiền. Theo luật sư Sergii Antonov, các dịch vụ đẻ thuê ở Ukraine thỉnh thoảng còn tổ chức các đợt sinh đẻ ở nước ngoài, vì sẽ dễ đăng ký khai sinh cho đứa bé.
Giá của một gói đẻ thuê ở Ukraine khoảng 25.000 bảng Anh (hơn 718 triệu đồng), người đẻ thuê thường nhận ít nhất 10.000 bảng Anh (khoảng 287 triệu đồng). Những cặp bố mẹ muốn được đẻ thuê phải có giấy tờ chứng nhận kết hôn dị tính và bị chẩn đoán vô sinh. Tại Ukraine, các dịch vụ đẻ thuê này có thể công khai quảng cáo trên báo chí, các phương tiện giao thông công cộng hoặc trên các nền tảng mạng xã hội.
Bình luận (0)