Căn cứ quân sự nhỏ nói trên ban đầu được Mỹ thành lập để hỗ trợ chiến dịch chống IS tại Syria. Tuy nhiên, với vị trí chiến lược nằm dọc cao tốc kết nối quân chính phủ Syria ở Damascus với các lực lượng hậu thuẫn ở Tehran, căn cứ này vô tình trở thành một địa điểm giúp Washington chống lại sự ảnh hưởng của Iran ở Syria. Hiện tại, nó có thể được Nhà Trắng sử dụng trong các kế hoạch ngăn chặn sự Iran mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ đưa mục tiêu chống lại sự hậu thuẫn của Iran cho đồng minh trên khắp khu vực, từ Lebanon đến Yemen và Syria, trở thành trung tâm chiến lược Trung Đông của Washington.
Căn cứ quân sự Tanf của đặc nhiệm Mỹ tọa lạc ở miền Nam của Syria. Ảnh: AP
Giới chức khẳng định Mỹ sẽ cam kết ở lại Syria cho đến khi các lực lượng Iran rút đi, đồng thời tuyên bố sẽ hành động để chấm dứt chương trình hậu thuẫn tài chính và quân sự quy mô lớn của Iran dành cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad – vốn là một trong những yếu tố hàng đầu giúp quân chính phủ "lật ngược tình thế" trong nội chiến Syria.
Tướng Joseph Votel, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, mô tả căn cứ Tanf là một yếu tố chủ chốt giúp Mỹ tiếp tục sứ mệnh quân sự chống lại IS và đảm bảo nhóm khủng bố này không thể quay lại.
Tướng Joseph Votel. Ảnh: AP
Phát biểu trong dịp viếng thăm Tanf vào hôm 22-10, ông Votel nói rằng căn cứ này còn mang lại một lợi ích khác: Giúp Mỹ cản trở Iran. Theo ông Votel, sự hiện diện của Mỹ tại vị trí chiến lược này khiến Iran gặp khó khăn hơn trong việc tăng cường quân sự ở Syria cũng như hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad tái chiếm những khu vực nằm ngoài quyền kiểm soát của họ.
"Không thể phủ nhận là chúng tôi gây ra một vài tác động gián tiếp đến họ" – Tưởng Votel tuyên bố.
Sự cản trở nói trên có thể giúp giới chức Mỹ củng cố nỗ lực phát động một chiến dịch mới, được Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn dắt, để chấm dứt nội chiến Syria thông qua giải pháp chính trị. "Chúng tôi đang nỗ lực cung cấp "lực đòn bẩy" cho các quan chức ngoại giao trong lúc họ theo đuổi các mục tiêu của họ" – Tướng Votel nói thêm.
Mỹ tuyên bố hiện diện quân sự tại Syria cho đến khi IS bị đánh bại hoàn toàn và các lực lượng Iran rút khỏi Syria. Ảnh: AP
Căn cứ Tanf đã cho thấy cách thức mà Mỹ thông qua các biện pháp rủi ro thấp hơn để đối phó với Iran trong khi giới chức cấp cao của họ tăng cường gây sức ép kinh tế và ngoại giao lên Tehran.
Hiện tại, giới chức quân đội Mỹ không muốn đụng độ với Iran vì họ đang tìm cách đối phó với các cuộc xung đột thời hậu 11-9 cùng với các mối đe dọa đến từ Nga và Trung Quốc.
Căn cứ quân sự Tanf nhiều khả năng sẽ được Mỹ sử dụng để chống lại sự "vươn vòi" của Iran trong khu vực. Ảnh: AP
Một quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Trump trước đây từng cam kết mở rộng sứ mệnh quân sự tại Syria cho đến khi IS bị đánh bại hoàn toàn.
Hiện tại, trong khi Nhà Trắng tuyên bố Washington sẽ ở lại Syria cho đến khi các lực lượng Iran rời đi, giới chức Mỹ cho biết sứ mệnh chống Iran diễn ra song song nhiều khả năng sẽ được thực hiện bằng nỗ lực ngoại giao thay vì quân sự.
Sự hiện diện của Mỹ ở Tanf "cho thấy Mỹ sẽ không rời Trung Đông nói chung hay Syria nói riêng cho đến khi chúng tôi nhận thấy tình hình an ninh đã đáp ứng được các yêu cầu của chúng tôi lẫn đồng minh của chúng tôi – Jordan, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq" – một quan chức Mỹ giấu tên tuyên bố.
Tướng Joseph Votel (giữa) bất ngờ viếng thăm căn cứ Tanf hôm 22-10. Đây cũng là lần đầu tiên phóng viên được cho phép vào căn cứ này. Ảnh: AP
Bình luận (0)