Dù số lượng trẻ mắc "Hội chứng từ bỏ" trong 10 năm qua đã giảm nhưng Hội đồng Y tế quốc gia Thụy Điển (SNBH) gần đây cho biết nước này vẫn ghi nhận tới 169 trường hợp mắc bệnh trong 2 năm 2015 và 2016, trong khi từ năm 2003-2005 là hơn 400 ca.
Dễ bị tổn thương nhất là những trẻ người Balkan, Digan và mới nhất là người Yazidi. Triệu chứng thường thấy là không nói chuyện, đi lại, thậm chí không mở mắt - hoàn toàn từ bỏ cuộc sống hằng ngày - sau khi các em nghe tin không được chính phủ Thụy Điển cho phép ở lại.
Cô bé Sophie nằm bất động trên giường Ảnh: BBC
Đài BBC (Anh) dẫn một trường hợp điển hình là bé gái Sophie, 9 tuổi. Gia đình em đến từ một nước thuộc Liên Xô trước đây, tới Thụy Điển tháng 12-2015 và sống trong những căn nhà dành cho người tị nạn ở một thị trấn nhỏ. Sau đó, họ bị cảnh sát tạm giữ và thông báo phải rời khỏi Thụy Điển.
Kể từ lúc này, Sophie ngừng nói chuyện và ăn uống. Suốt 20 tháng qua, cô bé nằm trên giường, di chuyển bằng xe lăn và được truyền thức ăn qua đường mũi. Mắt em lúc nào cũng khép chặt.
Bác sĩ Elisabeth Hultcrantz, tình nguyện viên của Tổ chức Bác sĩ thế giới (DOW), cho biết: "Huyết áp của cô bé bình thường song nhịp tim cao, dường như có phản ứng với việc có rất nhiều người đến thăm em".
Các chuyên gia y tế điều trị cho những đứa trẻ mắc "Hội chứng từ bỏ" đồng ý rằng tổn thương tâm lý là nguyên nhân khiến các em "rút khỏi thế giới bên ngoài". Có thể trẻ từng chứng kiến cảnh tượng bạo lực đối với cha mẹ hoặc gia đình ở trong một môi trường không an toàn. Chẳng hạn trường hợp của Sophie, cha mẹ em bị một nhóm tội phạm tống tiền và đánh đập hồi tháng 9-2015. Cô bé đã chứng kiến cảnh cha mẹ bị hành hung, sau đó cha em bị bắt đi.
Theo bác sĩ Lars Dagson, người điều trị cho Sophie, để những đứa trẻ này phục hồi cần phụ thuộc vào việc chúng có cảm giác an toàn hay không. Việc cho phép gia đình những đứa trẻ mắc bệnh cư trú lâu dài có thể khởi động tiến trình này.
Tuy nhiên, nhà hoạt động xã hội Annica Carlshamre cho rằng "Hội chứng từ bỏ" liên quan đến tổn thương trước đây chứ không phải vấn đề tị nạn. Vì vậy, họ tách những đứa trẻ mắc bệnh khỏi gia đình, cho các em tham gia những hoạt động thường ngày để giúp tái hòa nhập xã hội.
Bình luận (0)