“Bằng chứng thép”
Phóng viên đài BBC (Anh) đã tìm tới đảo Hải Nam – Trung Quốc để tìm hiểu về cuốn sách đặc biệt kể trên. Nó thuộc sở hữu của một ngư dân về hưu, ông Su Chengfen. Theo một số bản tin, nội dung chính của cuốn sách được cho là ghi lại những hướng dẫn về đường đi tới các bãi đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).
Trong cuộc phỏng vấn ngắn ngủi, ông Su, 81 tuổi, cho biết cuốn sách được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Cuốn sách để lại từ thời ông nội, đến cha tôi và bây giờ là tôi” – cụ ông cho biết. “Chủ yếu nó chỉ dẫn cách đi đến quần đảo Hoàng Sa (cũng thuộc chủ quyền Việt Nam) và Trường Sa rồi quay trở lại đảo Hải Nam”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đài BBC ngỏ ý muốn xem cuốn sách, ông Su thừa nhận cuốn sách “không còn tồn tại”. “Mặc dù cuốn sách rất quan trọng nhưng tôi đã vứt đi vì nó bị hư hại. Các trang sách bị lật quá nhiều lần. Mồ hôi tay đã ăn mòn chúng. Cuối cùng, các trang sách không còn đọc thấy chữ và tôi ném nó đi” – ông Su giải thích.
Đáng nói là chỉ mới cách đây vài tuần, truyền thông Trung Quốc còn rầm rộ đưa tin về cái gọi là “bằng chứng thép” khẳng định tuyên bố chủ quyền của nước này ở biển Đông nhưng giờ đây nó đã biến mất không một dấu tích.
Đài BBC cho biết nếu không có cuốn sách làm bằng chứng xác thực, Trung Quốc sẽ tiếp tục lặp lại bài ca cũ rích: “Biển Đông thuộc về Trung Quốc vì ngư dân Trung Quốc đã đến đó đầu tiên”. Ngay cả khi ông Su có thể đưa ra quyển sách 600 tuổi thì đó cũng chỉ là bằng chứng của việc người xưa từng đi lại trên biển Đông chứ không chứng tỏ quyền sở hữu, theo BBC.
Quyển sách mà truyền thông Trung Quốc cho là thuộc về ngư dân Su Chengfen. Ảnh đăng hồi tháng 4-2016 trên trang web của China Daily
Dân quân biển
Đây là cụm từ được BBC dùng để mô tả về một lực lượng được Bắc Kinh huấn luyện quân sự trong nhiều thập kỷ, sau đó núp bóng ngư dân lênh đênh trên những chiếc tàu/thuyền cá dân sự. Nhiệm vụ chính của họ không nằm ngoài việc giám sát, quấy rối tàu nước ngoài, sẵn sàng xâm chiếm lãnh hải nước khác một khi có cơ hội.
Sự hiện diện của một đơn vị dân quân biển được BBC ghi nhận trên đảo Hải Nam. Họ thậm chí có trụ sở riêng đặt bên trong tòa nhà chính quyền địa phương. Nhưng không người nào trả lời câu hỏi liên quan tới “lực lượng bóng tối” này cũng như vai trò của họ trong đội tàu cá của Trung Quốc.
Giáo sư Andrew S Erickson đến từ Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ, tin rằng sự hiện diện của các lực lượng dân quân Trung Quốc ở biển Đông sẽ khiến căng thẳng leo thang một cách nguy hiểm.
“Cách tiếp cận hiện giờ của Trung Quốc không chỉ đặt lực lượng dân quân của họ vào vòng nguy hiểm mà còn dẫn đến khả năng Mỹ và các nước khác thực hiện biện pháp phòng vệ chính đáng” – ông Erickson nhận định. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm và leo thang căng thẳng.
Ông Erickson còn cảnh báo nguy cơ trên có thể còn tăng sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông. Bắc Kinh được cho là sẽ phản đối và thể hiện sự không hài lòng của mình, khiến căng thẳng tiếp tục dâng cao.
Du lịch nghĩa vụ
Phóng viên BBC kết thúc chuyến đi Hải Nam ở TP Tam Á, nơi họ chứng kiến một du thuyền lên đường đến quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam).
Tour du lịch 5 ngày này bắt đầu từ năm 2013 và đến nay đã có hàng ngàn người Trung Quốc tham gia. Du khách nước ngoài không được phép đi tour này.
Theo BBC, đó là tuyến du lịch kỳ lạ, với hành trình kéo dài chỉ để đến một vài rạn san hô và bãi đá không có người ở.
Phóng viên BBC hỏi một phụ nữ trước khi cô lên du thuyền về thắc mắc trên. Cô này trả lời: "Chúng tôi đi không phải để vui chơi. Từ khi sinh ra, chúng ta đã được dạy rằng đó là lãnh thổ của đất nước. Đi tới đó là nghĩa vụ của chúng tôi".
Bình luận (0)