Tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 của Triều Tiên hôm 4-7 một lần nữa khiến sự lo ngại của toàn cầu dâng cao. Bình Nhưỡng khẳng định tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân lớn hạng nặng.
Không còn con đường nào khác
Đây là vụ mới nhất trong hàng loạt cuộc phóng tên lửa của Bình Nhưỡng trong năm nay. Trong đó, một loại tên lửa mới được thử nghiệm thành công hồi tháng 2 cũng được khẳng định có năng lực hạt nhân. Trước đó, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch hồi năm 2016 khiến cả thế giới chấn động.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un xem xét một đầu đạn tên lửa của Triều Tiên Ảnh: REUTERS
Vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng diễn ra năm 2006 và trong hơn một thập kỷ qua, chương trình vũ khí hạt nhân của nước này đã đạt được những bước tiến đáng kể. Lịch sử của chương trình hạt nhân Triều Tiên có thể được lần theo dấu vết về thời Chiến tranh lạnh, khi cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khiến lãnh tụ Kim Nhật Thành (1912-1994) - người lèo lái đất nước từ năm 1948 tới 1994 - nhận ra rằng Bình Nhưỡng không còn con đường nào khác là phải tự bảo vệ chính mình trước Mỹ.
Trả lời phỏng vấn đài NPR (Mỹ) hồi tháng 3-2017, nhà báo David Sanger của tờ The New York Times giải thích: "Ông Kim Nhật Thành khắc sâu việc Tướng Douglas MacArthur của Mỹ, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, đã muốn sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Triều Tiên và Trung Quốc. Ý định này dù đã bị ngăn chặn nhưng lãnh tụ của Triều Tiên không quên. Ông biết rằng để sống sót và ngăn chặn các cuộc tấn công, Bình Nhưỡng cần phải tự thân vận động. Ông nội của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay chính là người đã bắt đầu con đường (phát triển chương trình hạt nhân) của nước này".
Theo chuyên san The Asia-Pacific Journal (Nhật Bản), sau khi Trung Quốc thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964, đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành đã dẫn đầu một phái đoàn đến Bắc Kinh đề nghị đồng minh trợ giúp phát triển hạt nhân - vấn đề mà suốt nhiều năm Bình Nhưỡng cũng cầu cạnh sự giúp đỡ từ cả Liên Xô.
Trong thư gửi Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, lãnh tụ Triều Tiên lúc đó nhấn mạnh "chia sẻ bí mật bom hạt nhân là chuyện "thiên kinh địa nghĩa" giữa 2 quốc gia anh em cùng vào sinh ra tử như Triều Tiên và Trung Quốc". Thế nhưng, phái đoàn cấp cao của Triều Tiên đã phải ra về "trắng tay".
Tuy vậy, một năm sau, Triều Tiên đã có trong tay một lò phản ứng hạt nhân nhỏ công suất 2-4 MW có tên là IRT-2M, xây dựng ở Yongbyon - cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 90 km về phía Bắc. Lò phản ứng mang tính chất nghiên cứu này - tương tự trung tâm nghiên cứu hạt nhân quy mô lớn có mật mã là "Nhà máy nội thất" dọc bờ sông Kuryong, cách thị trấn Yongbyon khoảng 8 km xây dựng năm 1959 - cũng ra đời nhờ sự giúp sức của Liên Xô.
Theo trang Global Security (Mỹ), từ khi đi vào hoạt động năm 1967 cho tới năm 1973, IRT-2M được cung cấp nhiên liệu làm giàu tới 10% từ Liên Xô. Trong những năm 1970, Bình Nhưỡng tập trung nghiên cứu chu trình nhiên liệu hạt nhân, bao gồm tinh chế, chuyển hóa và sản xuất. Đến năm 1974, các chuyên gia nước này đã hiện đại hóa lò phản ứng IRT-2M theo cách tương tự các lò phản ứng vận hành ở Liên Xô và các quốc gia khác, tăng công suất của nó lên 8 MW và chuyển sang sử dụng nhiên liệu được làm giàu đến 80%.
Trong giai đoạn này, Triều Tiên bắt đầu xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu 5 MW ở Yongbyon và đưa vào vận hành năm 1986. Lò phản ứng được cho là tạo ra bước ngoặt cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên này liên tục bị đóng cửa rồi nối lại hoạt động theo những thăng trầm trong quan hệ giữa Triều Tiên với bên ngoài.
Tự lực cánh sinh
Những năm 1980 cũng được coi là thời gian khởi đầu của chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Lúc bấy giờ, tập trung vào sử dụng thực hành năng lượng hạt nhân và hoàn thiện một hệ thống phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên bắt đầu vận hành các cơ sở sản xuất và chuyển hóa uranium.
Nước này bắt đầu xây dựng một lò phản ứng hạt nhân 200 MW và các cơ sở tái xử lý ở Taechon, Yongbyon; đồng thời tiến hành thử nghiệm các vụ nổ có sức công phá lớn. Năm 1985, giới chức Mỹ lần đầu tiên thông báo họ có dữ liệu tình báo chứng tỏ một lò phản ứng hạt nhân bí mật được xây dựng cách Bình Nhưỡng 90 km, gần thị trấn Yongbyon. Đây cũng là năm Triều Tiên buộc phải tham gia Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT) rồi rút khỏi NPT vào năm 2003 và tự nhận mình đã bước vào hàng ngũ những quốc gia hạt nhân 2 năm sau đó.
Theo tạp chí Time (Mỹ), mặc dù những bước đi ban đầu trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên mang dấu ấn của Liên Xô nhưng thực tế, sự trợ giúp lúc đó của Liên Xô chỉ ở mức cầm chừng. Trong giai đoạn chia rẽ với Trung Quốc đó, Liên Xô một mặt không muốn Triều Tiên ngả về phía Bắc Kinh, mặt khác cũng không thực sự có ý định chia sẻ bí mật vũ khí hạt nhân với Bình Nhưỡng. Vì vậy, vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên năm 2006 đã được thực hiện với rất ít sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Tuy nhiên, trang Huffington Post tiết lộ những công nghệ hạt nhân ban đầu của Triều Tiên đã được mua từ một trong những nhà sáng lập chương trình hạt nhân của Pakistan, trong khi nhiều máy ly tâm để làm giàu uranium được mua từ Libya.
Kỳ tới: Bộ ba quyền lực
5 vụ thử nghiệm hạt nhân
- Ngày 9-10-2006: Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân đầu tiên tại cơ sở dưới lòng đất ở Hwaderi gần TP Kilju, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt.
- Ngày 5-4-2009: Triều Tiên phóng tên lửa vệ tinh viễn thám mang đầu đạn hạt nhân tại khu vực Punggye-ri.
- Ngày 25-5-2009: Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân trong lòng đất với lượng chất nổ xấp xỉ 20 kiloton tại khu vực Punggye-ri. Nước này cũng phóng thử tên lửa đất đối không có bán kính hoạt động 80 km.
- Ngày 12-2-2013: Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới với sức công phá 6-9 kiloton.
- Ngày 6-1-2016: Bình Nhưỡng tuyên bố tiến hành thử thành công bom nhiệt hạch, còn gọi là bom hydro hay bom H.
Bình luận (0)