Vào cuối thập niên 1980, Liên Xô tuyên bố một kỳ tích mà nhiều chuyên gia quân sự Mỹ đều đồng loạt cho là không tưởng. Theo đó, tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân K-147 của Liên Xô đã bí mật bám đuôi một tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ suốt 6 ngày mà không bị phát hiện.
Cái khó ló cái khôn
Giới quan sát Mỹ lúc đó cho rằng tàu ngầm Liên Xô không thể chơi đuổi bắt dưới biển như vậy khi thiếu hệ thống định vị thủy âm - sonar, công nghệ được coi là tai mắt dưới biển của tàu ngầm, vốn được Mỹ và NATO xem là mũi nhọn trong việc theo dõi tàu ngầm thời Chiến tranh lạnh.
Tuy nhiên, tài liệu "Năng lực tác chiến chống ngầm Liên Xô" của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thực hiện năm 1972 vừa được giải mật mùa hè vừa qua đã cho thấy tuyệt chiêu để những tàu ngầm như K-147 có thể bám đuổi tàu ngầm Mỹ mà không cần tới hệ thống sonar. Trong khi Mỹ và NATO dồn gần như toàn lực cho công nghệ sonar, người Nga đã đi theo một hướng hoàn toàn khác là phát triển một phương tiện định vị tàu ngầm thông thái lạ lùng, theo trang Popular Mechanics.
Thiết bị "có một không hai" trên thế giới này là hệ thống phát hiện sóng dao động - SOKS, còn gọi là "hệ thống phát hiện vật thể vệt rẽ nước". Thiết bị này được tích hợp vào các tàu ngầm tấn công Nga, theo dấu vết vệt rẽ nước tàu ngầm đối phương để lại. Thực ra, SOKS có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường trong các hình ảnh tàu ngầm Nga ngày nay, trông như một loạt đinh nhọn và đầu đạn cỡ lớn nhô lên bên ngoài tháp chỉ huy.
Phương pháp không mảy may liên quan gì tới sóng âm này dường như đã bị phương Tây bỏ lọt. Theo nhà báo kiêm chuyên gia công nghệ quân sự người Anh David Hambling, Mỹ và NATO tập trung phát triển các hệ thống sonar hiệu quả cao, đến mức những phương pháp phát hiện mục tiêu dưới nước khác đều bị lãng quên. Trong nhiều thập kỷ, các phương thức không dùng sonar được cho là yếu thế, bị giới hạn về tầm hoạt động và độ tin cậy so với hệ thống này.
Thế nhưng, SOKS lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, có thể xem như "cái khó ló cái khôn". Nền công nghiệp điện tử đi sau phương Tây đã khiến Liên Xô khó lòng chạy đua công nghệ sonar thời thượng lúc đó, buộc họ phải phát triển giải pháp thay thế. Theo tài liệu vừa được giải mật một phần nêu trên, SOKS đã thành công trong việc theo dõi dấu vết các vệt rẽ nước hay sự nhiễu loạn trong nước mà tàu ngầm đối phương để lại phía sau - thay vì tìm cách "nghe ngóng" chân vịt hay động cơ như công nghệ sonar.
Tàu ngầm lớp Akula hiện đại của Nga vẫn sử dụng SOKS. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Những tuyên bố từ phía Liên Xô về việc có thể theo dõi tàu ngầm Mỹ thường xuyên bị phương Tây vùi dập và bị coi là tuyên truyền màu mè. Song, Lầu Năm Góc vẫn âm thầm tiến hành nghiên cứu về SOKS. Hệ thống này hoạt động ra sao, có hiệu quả không, thực ra thì nó tìm kiếm cái gì trong nước...? Người Mỹ vẫn chưa có cách đối phó với SOKS và những báo cáo về nghiên cứu này phải tới 45 năm sau mới được giải mật một phần.
Chính vì vậy, xung quanh hệ thống bí ẩn này có không ít lời đồn đại. SOKS được cho là có thể đo sự thay đổi mật độ nước biển, phát hiện bức xạ, thậm chí được trang bị hệ thống cảm biến laser... Điều mà phương Tây chắc chắn là hệ thống SOKS đầu tiên xuất hiện trên tàu ngầm K-14, thuộc lớp November, hạ thủy năm 1969. Nhiều phiên bản sau đó với các mật danh như Colossus, Toucan, Bullfinch cũng xuất hiện trên những tàu ngầm tấn công thế hệ mới của Liên Xô và Nga.
Còn nhiều điều bí ẩn
Theo những tài liệu vừa được giải mật của CIA, SOKS có một tổ hợp công cụ kết hợp. Trong đó, một công cụ thu thập dấu vết phóng xạ từ lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm, một công cụ "quang phổ kế đo tia gamma" có thể phát hiện dấu vết của vật chất phóng xạ trong nước biển. Báo cáo của CIA khẳng định: "Liên Xô đã thành công trong việc định vị tàu ngầm hạt nhân của họ bằng hệ thống này".
Báo cáo cũng cho thấy ngoài các vệt phóng xạ, tàu ngầm còn để lại trên mặt nước những vệt hóa chất. Hợp kim thường dùng để ngăn tàu ngầm bị ăn mòn trong nước biển thường để lại một vệt kẽm, trong khi lò sinh khí ôxy và các ống làm mát trên tàu lần lượt để lại hydro và nikel. SOKS cũng tìm kiếm những chất như vậy để "đánh hơi" tàu ngầm.
Ngoài ra, nhiệt độ nước làm mát lò phản ứng hạt nhân và động cơ tàu ngầm xả ra nóng bất thường so với môi trường xung quanh, có thể cao hơn tới 10 độ C, cũng là một dấu hiệu mà SOKS tìm kiếm. "Một hệ thống định vị dựa trên các kỹ thuật này có thể phát hiện dấu vết sót lại của tàu ngầm từ trước đó vài giờ" - báo cáo của CIA kết luận.
Bản báo cáo của CIA đã ít nhiều phản ánh một thực tế: Từ những năm 1970, các cơ quan tình báo Mỹ đã chú ý tới việc tàu ngầm nước này có thể bị bám theo. Các biện pháp đối phó hẳn đã được tính toán lúc bấy giờ, như giảm thiểu các vệt hóa chất và phóng xạ. Đó có thể là lý do mà phải hơn 4 thập kỷ sau, tài liệu của CIA mới được đưa ra ánh sáng.
Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể biết được tàu ngầm Liên Xô có thể "đứng trong bóng tối" định vị tàu ngầm Mỹ được bao lâu, Mỹ có tìm ra cách nào "cắt đuôi" những kẻ săn ngầm hay không... Có thể thế giới sẽ phải chờ... 45 năm nữa để có câu trả lời từ những phần còn lại chưa được giải mật của tài liệu CIA!
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-12
Hai loại sonar
Hệ thống sonar được chia thành 2 loại cơ bản. Sonar chủ động phát ra tín hiệu âm thanh (tiếng "ping") và theo dõi tín hiệu phản xạ từ chướng ngại vật dưới nước.
Ngược lại, sonar thụ động dựa trên cảm biến âm thanh độ nhạy cao, có thể thu được tiếng ồn từ động cơ hoặc chân vịt tàu chiến. Sonar thụ động đòi hỏi chi phí đầu tư và trình độ công nghệ rất cao nhưng có thể duy trì khả năng ẩn mình của tàu ngầm.
Bình luận (0)