Sau vài ngày đồn đoán, Mỹ cùng 2 đồng minh Anh, Pháp quyết định không kích Syria vào rạng sáng 14-4 (giờ Damascus) để trừng phạt chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vì "gây ra" vụ tấn công hóa học nhằm vào dân thường tại thị trấn Douma, thuộc khu vực Đông Ghouta, cuối tuần rồi.
Chỉ diễn ra một lần
"Chúng tôi sẵn sàng duy trì phản ứng này cho đến khi chế độ Syria chấm dứt sử dụng chất hóa học bị cấm" - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố. Khi ông chủ Nhà Trắng phát biểu lúc 21 giờ hôm 13-4 (giờ Washington), người ta nghe những tiếng nổ lớn tại thủ đô Damascus, khi đó là rạng sáng 14-4.
So với cuộc tấn công vì mục đích tương tự cách đây hơn 1 năm, đợt không kích lần này nhằm vào nhiều mục tiêu hơn và sử dụng nhiều hỏa lực hơn. Ngoài ra, Mỹ không còn đơn độc mà có sự hỗ trợ của 2 đồng minh. Tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc về vụ tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói đây là cuộc không kích chỉ diễn ra một lần và nhằm phát đi thông điệp "rất mạnh mẽ" đến ông Assad.
"Rõ ràng là chế độ ông Assad không tiếp thu thông điệp vào năm ngoái. Lần này, chúng ta và các đồng minh đã tấn công mạnh mẽ hơn" - ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh, cũng như cho biết thêm tình báo Mỹ xác nhận "khí clo đã được sử dụng" trong vụ tấn công ở Douma.
Ba mục tiêu của đợt không kích bị cáo buộc có liên quan đến chương trình vũ khí hóa chất của Syria, gồm: một trung tâm nghiên cứu khoa học ở quận Barzeh thuộc thủ đô Damascus; một cơ sở lưu trữ vũ khí hóa học và một trung tâm chỉ huy quan trọng, đồng thời là nơi lưu trữ thiết bị vũ khí hóa học ở gần TP Homs. Hãng tin SANA cho biết một số tên lửa bị đánh chặn ở Homs đã đổi hướng và khiến 3 thường dân bị thương. Ngoài ra, một tòa nhà có đặt các phòng thí nghiệm và trung tâm khoa học ở Barzeh đã bị phá hủy.
Hiện chưa rõ Syria còn chịu tổn thất gì thêm từ chiến dịch không kích nhưng phản ứng của Damascus không chỉ dừng lại ở sự lên án mà còn thể hiện sự thách thức. Phủ tổng thống Syria sáng 14-4 (giờ địa phương) đăng lên Twitter đoạn video chiếu cảnh ông Assad dường như vẫn đến đây làm việc sau đợt không kích, kèm theo thông điệp có nội dung "buổi sáng kiên cường".
Theo Reuters, nhà lãnh đạo Syria nói với Tổng thống Iran Hassan Rouhani rằng cuộc tấn công do Mỹ đứng đầu sẽ làm gia tăng quyết tâm đánh đuổi khủng bố của Damascus. Quân đội Syria cũng tuyên bố sẽ giành lại những phần lãnh thổ hiện còn nằm trong tay phiến quân.
Tên lửa Tomahawk bắn từ tàu chiến Mỹ (ảnh trên) và tên lửa phòng không của Syria Ảnh: REUTERS - AP
Liên quân thận trọng
Hiện chưa có thông tin về thương vong, nếu có, của phe liên quân. Tuy nhiên, tờ Los Angeles Times nhận định chiến đấu cơ Mỹ, Anh, Pháp dường như bắn tên lửa từ vị trí cách bờ biển Syria vài trăm km, tức nằm ngoài tầm hoạt động của hệ thống phòng không của chế độ ông Assad. Điều này cho phép họ tiến hành vụ tấn công tham vọng và mạnh mẽ hơn so với vụ không kích hôm 7-4-2017, trong đó 59 tên lửa hành trình Tomahawk trút xuống căn cứ không quân Shayrat. Lần này, khoảng 120 tên lửa đã được bắn đi và đánh giá ban đầu của Bộ Quốc phòng Anh là đợt không kích diễn ra thành công. Ông Mattis nhấn mạnh hiện chưa có kế hoạch tiến hành thêm các vụ không kích nhưng cảnh báo điều này có thể xảy ra nếu chính phủ ông Assad "quyết định tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học".
Tờ Guardian cho rằng sự thận trọng nói trên của liên quân là điều dễ hiểu bởi Syria có những hệ thống phòng không tinh vi được Nga trang bị và tuyên bố của Lực lượng Vũ trang Syria khẳng định các hệ thống này đã "đánh chặn hầu hết trong số 110 tên lửa của liên quân". Một nguy cơ không thể xem thường khác là việc không kích kho chứa vũ khí hóa học có thể làm phát tán chúng. Tuy nhiên, các chuyên gia Anh nói nguy cơ này không lớn bởi vũ khí hóa học sẽ bị nổ tung trước khi chất độc kịp phát tán.
Điều dư luận quan tâm là Moscow có kích hoạt hệ thống phòng không hiện đại S-400 để bắn hạ bất kỳ tên lửa Mỹ nào nhằm vào Syria như đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin từng cảnh báo trước đó hay không. Trong dấu hiệu cho thấy Washington không muốn đối đầu trực diện với Moscow, ông Mattis nhấn mạnh liên quân đã thận trọng để tránh gây thương vong cho dân thường và binh sĩ Nga ở Syria. Ngoài ra, ngay cả khi ông Dunford cho biết Mỹ không cảnh báo trước Nga về vụ tấn công, Lầu Năm Góc đã sử dụng một kênh liên lạc đặc biệt với Moscow để bảo đảm không có va chạm đáng tiếc trên không phận trong thời gian cuộc tấn công diễn ra.
Sự thận trọng trên phần nào đạt kết quả khi ông Dunford cho biết lực lượng Nga ở Syria dường như không có hành động gì. Giải thích cho sự "án binh bất động này", Bộ Quốc phòng Nga nói không tên lửa nào của Mỹ và các đồng minh đi vào vùng phòng không được thiết lập để bảo vệ các cơ sở ở thành phố cảng Tartus và căn cứ không quân Khmeimim.
Thông điệp cho Triều Tiên
Trong khi thế giới tiếp tục phân tích về cuộc không kích mới nhất mà Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria sáng 14-4, các quốc gia Đông Á chú ý đặc biệt bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dự phần ảnh hưởng vào khu vực nóng bỏng này. Trung Quốc và Triều Tiên đều theo dõi để xem những lời cảnh báo của chính quyền ông Trump đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên, những tranh chấp ở biển Đông, Hoa Đông và căng thẳng hai bên bờ eo biển Đài Loan nghiêm túc đến đâu.
Một năm trước, ở khu nghỉ dưỡng tại Mar-a-Lago, bang Florida, tổng thống Mỹ thông báo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vụ tấn công tên lửa vào một sân bay Syria - được cho là nơi các máy bay chứa vũ khí hóa học đã cất cánh. Đây cũng là thông điệp dành cho ông Tập, cũng như nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên, rằng Mỹ rất coi trọng các vấn đề an ninh quốc gia.
Hiện nay, bán đảo Triều Tiên đang hạ nhiệt và cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai ông Trump - Kim nhiều khả năng diễn ra vào tháng tới. Trong lúc tình hình hứa hẹn một thỏa thuận lịch sử thì cách Mỹ ứng xử ở Syria không chỉ ảnh hưởng tới Trung Đông mà còn lan ra toàn Đông Á.
Joseph Bosco, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ
Máy bay Rafale của Pháp (ảnh trên) và máy bay Tornado của Anh chuẩn bị tham gia không kích Syria Ảnh: AP - Reuters
Tấn công từ xa
Theo đài CNN, quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom B-1B, tên lửa Tomahawk và tàu khu trục trong đợt không kích Syria. Dù không cho biết chi tiết về loại vũ khí trên B-1B nhưng giới chức Mỹ tiết lộ tên lửa hành trình phóng từ trên không đã được sử dụng. Máy bay B-1 có khả năng phóng tên lửa hành trình JASSM mang theo 450 kg đầu đạn và có tầm hoạt động hơn 370 km. Điều này có nghĩa là những chiếc B-1 có thể ra tay mà không cần đi vào phạm vi hoạt động của hệ thống phòng không Syria.
Ngoài ra, các nguồn tin quốc phòng cho biết có ít nhất 1 tàu chiến Mỹ tham gia chiến dịch, phóng tên lửa hành trình Tomahawk có tầm hoạt động lên đến 2.500 km. Tên lửa Tomahawk là vũ khí chính trong các chiến dịch trước đó của Washington, bao gồm cả cuộc không kích Syria một năm trước.
Trong khi đó, phía Anh đóng góp 4 chiến đấu cơ Tornado trang bị tên lửa hành trình Storm Shadow, có khả năng mang 400 kg đầu đạn bay xa đến 400 km. Điều này đồng nghĩa những chiếc Tornado không cần bay vào không phận Syria mà vẫn có thể tiến hành không kích. Pháp cũng triển khai chiến đấu cơ Rafale mang tên lửa Storm Shadow trong cuộc không kích. Ngoài ra, một số nguồn tin cho biết nước này còn sử dụng tên lửa hành trình phóng từ 3 tàu khu trục đa nhiệm và 1 tàu khu trục tiêu chuẩn.
Được biết, tàu khu trục đa nhiệm là một trong những loại tàu mới nhất của hải quân Pháp và được trang bị tên lửa hành trình MdCN. Tầm hoạt động của tên lửa này vẫn là một bí mật dù có nguồn tin nói 1.000 km. Chính phủ Pháp không tiết lộ họ sử dụng bao nhiêu tên lửa cho đợt không kích.
Bảo Hạnh
Bình luận (0)