Gần đây, báo chí Việt Nam đưa tin phía Nga sắp giao cho Việt Nam 2 chiếc tàu ngầm diesel - điện lớp Kilo nằm trong hợp đồng mua 6 tàu ngầm trị giá khoảng 2 tỉ USD. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, ông Alexander Buzakov, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Admiralty Shipyards, cho biết chiếc tàu ngầm đầu tiên sản xuất cho Việt Nam dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối năm 2013 và chiếc thứ hai sẽ được giao vào đầu năm tới.
Khả năng đa dạng
Lớp Kilo là định danh của NATO chỉ một loại tàu ngầm quân sự chạy bằng diesel-điện cỡ lớn được chế tạo tại Nga. Tên chính thức của Nga đặt cho lớp tàu ngầm này là Project 636 (Đề án 636). Có một phiên bản tối tân hơn, được gọi ở phương Tây là Kilo cải tiến và ở Nga là Varshavyanka (Đề án 636M). Đây là loại tàu ngầm được xuất khẩu với số lượng đáng kể. Nhiều nước mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga, trong đó có Trung Quốc, Iran, Algeria, Ấn Độ, Romania, Ba Lan, Indonesia.
Khả năng tác chiến của tàu ngầm Đề án 636 được tăng đáng kể nhờ việc sử dụng tên lửa đối hạm 3M-54E Club-S được hỗ trợ bởi các hệ thống điện tử tiên tiến. Với tầm bắn đạt tới 220 km và mang theo đầu đạn 450 kg, lớp tàu của Đề án 636 có thể tấn công nhanh, từ xa, không cần phải lọt vào gần tàu địch hay phải vượt qua những khu vực địch giăng bẫy bằng thủy lôi.
Nhiệm vụ chính của tàu ngầm lớp Kilo là thực hiện các hoạt động dưới nước nhưng các nhà thiết kế vẫn tính đến khả năng nó sẽ phải đối đầu với các mục tiêu trên không trong trường hợp đang nổi lên. Vì thế, các nhà thiết kế đã trang bị cho nó tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp, như hệ thống phóng tên lửa phòng không 8 tên lửa Strela-3 (SA-N-8 Gremlin, tầm bắn tối đa 6 km) hoặc 8 tên lửa Igla (SA-N-10 Gimlet, tầm bắn tối đa 5 km).
Nâng cao năng lực chiến đấu
Một chiếc tàu ngầm lớp Kilo cải tiến. Ảnh: RIA NOVOSTI
Bên cạnh đó, tàu ngầm hạt nhân Vladimir Monomakh hùng mạnh, siêu hiện đại và hầu như không gây tiếng ồn đã được hạ thủy và đang chạy thử nghiệm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2013. Nó thuộc về lớp tàu ngầm chiến lược với lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, cho phép tàu ngầm có thể lặn xuống độ sâu 480 m. Nhờ vào thành tựu mới nhất trong việc giảm tiếng ồn, nó gần như không phát ra tiếng động nếu so với các thế hệ tàu ngầm trước.
Ngoài ra, tàu ngầm này được trang bị hệ thống tên lửa mới, có từ 16-20 tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn Bulava (SS-NX-30 theo phân loại của NATO). Loại tên lửa này có khả năng qua mặt bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào. Bộ Quốc phòng Nga đã thử nghiệm để kiểm tra tầm bắn tối đa của nó, kết quả là tên lửa được phóng đến một mục tiêu ở tầm xa 9.300 km chỉ mất 33 phút.
Nâng cấp hạm đội tàu ngầm Tổng thống Putin khẳng định: “Phát triển hải quân hùng mạnh, hiệu quả là một trong những ưu tiên chính của nước Nga. Chúng ta sẽ gia tăng nhịp độ phát triển, cải tiến hạm đội tàu ngầm”. Tổng thống Nga cho biết nước này chi hơn 4.000 tỉ rúp đến năm 2020 để nâng cấp lực lượng hải quân. Ông lặp lại kế hoạch đưa vào sử dụng trong giai đoạn này 8 tàu ngầm chiến lược thuộc lớp Borei được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa, cùng với 8 tàu ngầm nhỏ hơn thuộc loại Yasen, cũng chạy bằng năng lượng nguyên tử. Sau đó, trong giai đoạn từ 2021 đến 2030, Nga sẽ tiếp tục “thay máu” lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của mình, chuyển sang sử dụng thế hệ tàu ngầm thứ tư. |
Kỳ tới: Sức mạnh trên không
Bình luận (0)