Radar khó dò
Một trong những tên lửa này là Kh-102, được nâng cấp từ loại Kh-55 (AS-15) thời chiến tranh lạnh. Kh-102 đã được nghiên cứu và phát triển trong gần 2 thập niên nhưng công trình này hầu như bị ngưng trệ vào thập niên 1990 do thiếu kinh phí. Cách đây 10 năm, có tin công trình này đã được nối lại và cách đây 5 năm, một số tên lửa loại này đã xuất hiện, được treo bên dưới máy bay ném bom hạng nặng Tu-95.
Cùng thời gian trên, một phiên bản nâng cấp Kh-555 đã xuất hiện. Tên lửa này dài 6 m, nặng 1,6 tấn và tầm bắn 3.000 km. Đầu đạn quy ước nặng 364 kg là một loại bom chùm. Nga cho biết các tên lửa này dùng để tấn công các cơ sở của bọn khủng bố ở nước ngoài. Website Strategy Page tiết lộ loại này có một phiên bản hạt nhân nhưng không được sử dụng thường xuyên.
Chiếc Tu-95 chở 8 tên lửa Kh-101. Ảnh: SPACE BATTLES
Điểm đặc biệt là Kh-102 có một hình dạng mới và một lớp vỏ làm cho radar khó dò tìm hơn. Kh-102 có trọng lượng 2,2 tấn nhưng tầm bắn và lượng thuốc nổ qua mặt Kh-555. Thêm vào đó, Kh-102 không nhằm mục đích thay thế Kh-555 mà để bổ sung chúng.
Mỗi máy bay ném bom hạng nặng Tu-160 và Tu-95MS được trang bị 12 tên lửa đầu đạn hạt nhân Kh-555 hoặc Kh-102. Ngoài ra, trong năm 2013, không lực Nga nhận được thêm loại tên lửa mới Kh-101 có năng lực giống như Kh-102 nhưng hiện đại hơn.
“Thiên nga trắng” và “Con gấu”
Trong khi đó, máy bay ném bom Tu-95 (phương Tây gọi là “Con gấu”) đã được sử dụng cách đây hơn nửa thế kỷ và dự kiến sẽ tiếp tục phục vụ thêm 3 thập kỷ nữa, cùng với loại Tu-142. Thời gian qua, đã có hơn 500 chiếc Tu-95 được cho ra lò và đây là loại máy bay ném bom lớn nhất và nhanh nhất đang hoạt động. Hiện Nga đang duy trì lực lượng 50 chiếc Tu-95MS (chở từ 4 tên lửa đầu đạn hạt nhân trở lên) và 15 chiếc Tu-142 (dùng để do thám biển). Ngoài ra, còn hàng chục chiếc Tu-95 ở trong kho.
Loại máy bay Tu-142 có thể bay 15.000 km không cần tiếp thêm nhiên liệu và đạt tốc độ tối đa 925 km/giờ. Được thiết kế ban đầu là máy bay ném bom, phiên bản Tu-142 còn có thể chở đến 10 tấn vũ khí (ngư lôi, mìn, tên lửa đối hạm, phao âm dùng để phát hiện tàu ngầm) và nhiều bộ cảm biến. Ngoài ra, còn có 2 khẩu 23 mm được gắn ở phía đuôi của chiếc máy bay này.
Gần đây, Tư lệnh Không quân Nga Victor Bondarev đã chính thức đồng ý phương án thiết kế máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ thứ 5 của Nga. Loại máy bay này được chế tạo nhằm thay thế các loại máy bay ném bom hạng nặng hiện đang sử dụng trong không quân Nga là Tu-95MS và Tu-160. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã yêu cầu các cơ quan có liên quan triển khai công tác cải tạo, hiện đại hóa quy mô lớn loại máy bay ném bom chiến lược Tu-160 để kéo dài thời hạn sử dụng.
Phát triển trực thăng Hãng tin Interfax cho biết theo chương trình phát triển công nghiệp hàng không cấp nhà nước của Nga, ngành chế tạo trực thăng nước này trong 10 năm tới sẽ nhận được hơn 60 tỉ rúp, trong đó 36,5 tỉ rúp trích từ ngân sách và phần còn lại từ các nguồn ngoài ngân sách. Chương trình trên đang xem xét việc cấp kinh phí cho nhiều dự án để đổi mới một loạt mẫu trực thăng hiện hữu và cho phép ngành chế tạo trực thăng của Nga duy trì tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Theo hãng tin RIA Novosti, đầu tháng 4 này, Quân khu phía Tây nước Nga sẽ nhận 2 trực thăng Mi-28H đầu tiên, được mệnh danh là “Thợ săn đêm”. Mi-28H có nhiệm vụ săn tìm và tiêu diệt xe tăng và các loại kỹ thuật bọc thép khác cũng như các mục tiêu trên không tốc độ thấp. Mi-28H sử dụng súng 30 mm, tổ hợp tên lửa chống tăng Ataka-B, tên lửa không đối không và các loại vũ khí khác. |
Bình luận (0)