Trên trang web của bộ này, 5 chương trình được liệt kê gồm: giáo dục hoạch định chính sách, hữu nghị Mỹ - Trung, trao đổi lãnh đạo Mỹ - Trung, trao đổi Mỹ - Trung xuyên Thái Bình Dương và Giáo dục - Văn hóa Hồng Kông.
Chúng ra đời dưới sự bảo trợ của Đạo luật Trao đổi Giáo dục - Văn hóa tương hỗ (MECEA) năm 1961 do Tổng thống Mỹ khi đó là John F Kennedy ký, nhằm thúc đẩy trao đổi học thuật và văn hóa giữa Mỹ với các nước. "Trong khi những chương trình khác dưới sự bảo trợ của MECEA để đôi bên cùng có lợi thì 5 chương trình vừa nêu hoàn toàn được tài trợ và vận hành bởi chính phủ (Trung Quốc) như công cụ tuyên truyền quyền lực mềm" - Bộ Ngoại giao Mỹ lý giải.
Giao lưu giữa Trường ĐH New York Thượng Hải (Trung Quốc) và Trường ĐH New York (Mỹ). Ảnh: Viện Brookings
Cũng trong ngày 4-12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các quan chức thuộc Ban Công tác Mặt trận thống nhất Trung Quốc sẽ bị trừng phạt, bao gồm lệnh hạn chế thị thực. Họ bị cáo buộc chống lại những người phản đối Bắc Kinh ở nước ngoài, như sử dụng hoặc đe dọa sử dụng bạo lực, đánh cắp và tiết lộ thông tin cá nhân, gián điệp, phá hoại hoặc can thiệp ác ý vào các vấn đề chính trị, tự do học tập, quyền riêng tư cá nhân hoặc hoạt động kinh doanh.
Đầu tuần này, các thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình họ bị giới hạn thời gian lưu trú tại Mỹ xuống 1 tháng thay vì 10 năm. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sau đó lên án cách tiếp cận của Washington "hoàn toàn không phù hợp với lợi ích của Mỹ và sẽ làm hỏng hình ảnh của Mỹ trên toàn cầu". Ngày 4-12, bà Hoa tiếp tục phản ứng cáo buộc "gián điệp Trung Quốc đang sử dụng áp lực kinh tế để gây ảnh hưởng hoặc làm suy yếu các nghị sĩ Mỹ" của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe, gọi cáo buộc này là "dối trá".
Bình luận (0)