Biển động hôm 1-1-2015 khiến đội thợ lặn Indonesia chưa thể nối lại hoạt động để kiểm tra vùng tối - nghi là chiếc máy bay QZ8501 của hãng AirAsia - dưới đáy biển Java ngoài khơi đảo Borneo.
Thời tiết không thuận lợi
Ông Toos Sanitiyoso, điều tra viên an toàn hàng không thuộc Ủy ban An toàn giao thông Indonesia, nhận định có thể phải mất 1 tuần mới tìm thấy hộp đen. Quan chức này nói: “Điều quan trọng là phải tìm được nơi máy bay rơi và sau đó là hộp đen”. Lời tuyên bố cho thấy vẫn còn nghi vấn về vị trí chính xác của chiếc máy bay xấu số.
Cùng ngày 1-1, có thêm 4 thi thể được đưa từ thị trấn Pangkalan Bun, thuộc tỉnh Trung Kalimantan, đến TP Surabaya - Indonesia. Tính đến nay, tổng cộng 9 thi thể được tìm thấy và vẫn chưa phát hiện dấu hiệu sống sót nào. Theo báo cáo pháp y sơ bộ của 2 thi thể đầu tiên được đưa đến TP Surabaya hôm 31-12-2014, tuy vẫn còn nguyên vẹn nhưng mức độ phân hủy cho thấy họ đã chết 3 ngày trước đó.
Người thân một nạn nhân nữ đau lòng khi nhìn thấy thi thể cô gái tại bệnh viện ở TP Surabaya hôm 1-1-2015
Ảnh: Reuters
Cũng tại TP Surabaya, vài gia đình thân nhân đã bị đuổi khỏi một khách sạn nằm gần sân bay quốc tế Juanda vào đêm giao thừa vì tất cả các phòng đều được đặt kín. Một gia đình cho biết hãng AirAsia nói họ có thể ở lại đây đến ngày 1-1 nhưng đã bị sốc khi nhìn thấy hành lý bị đem ra khỏi phòng mà không được báo trước. Tuy nhiên, một tiếp tân khách sạn nói việc dọn hành lý đã được hãng AirAsia thông qua.
Tăng độ cao quá nhanh?
Theo Reuters, các nhà điều tra đang xem xét giả thuyết máy bay bị “chết máy” do tăng độ cao quá nhanh. Trước khi QZ8501 biến mất khỏi màn hình radar, dữ liệu cuối cùng của chuyến bay được truyền về bộ phận điều khiển không lưu ở Jakarta - Indonesia. Một nguồn tin tiếp xúc với cuộc điều tra vụ QZ8501 tiết lộ dữ liệu này dường như cho thấy chiếc Airbus A320-200 đã thực hiện cú tăng độ cao quá nhanh đến mức “không thể tin được” và có thể vượt giới hạn cho phép của loại máy bay này.
Sau 36 phút cất cánh từ sân bay Juanda ở TP Surabaya, phi công yêu cầu tăng độ cao máy bay từ 32.000 feet (9,75 km) lên 38.000 feet (11,58 km) và bay chệch sang trái để tránh thời tiết xấu. Hai phút sau, Jakarta trả lời, cho phép máy bay lệch qua trái 2 m và tăng độ cao lên 34.000 feet (10,36 km) nhưng không thấy phi công hồi âm. Nguồn tin này cảnh báo dữ liệu trên chưa đầy đủ và cần thêm nhiều thông tin nữa, đặc biệt là 2 hộp đen, trước khi đi đến kết luận vững chắc.
Trong khi đó, tờ Independent (Anh) cho hay một bức ảnh được cho là rò rỉ từ AirNav Indonesia, cơ quan kiểm soát không phận nước này, cho thấy thời điểm QZ8501 đang bay ở độ cao 36.300 feet (11,06 km) với vận tốc 654 km/giờ. Các quan chức AirNav Indonesia từ chối phản hồi về thông tin trên.
Reuters dẫn lời 2 phi công nhiều kinh nghiệm cho biết nếu hình ảnh và những thông tin rò rỉ là đúng, QZ8501 có thể đã tăng độ cao đột ngột và “mất tốc độ” khiến máy bay khựng lại giữa không trung trước khi lao xuống biển. Một phi công giải thích QZ8501 cần bay với vận tốc khoảng 955 km/giờ ở độ cao 32.000 feet (9,75 km). “Nếu lên cao đột ngột, tốc độ máy bay sẽ bị giảm và khiến máy bay chết máy” - người này nói.
Trước đó, một dữ liệu radar chưa được xác nhận từ Malaysia làm bùng nổ tranh luận trên mạng về khả năng QZ8501 đã bay quá chậm khi tăng độ cao và cũng dẫn đến chết máy.
Bình luận (0)