Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc kết thúc hôm 14-6 nhưng những diễn biến sau đó khiến dư luận lo ngại về sự đồng thuận của ASEAN trong vấn đề biển Đông.
Tuyên bố chung “chết yểu”
Nỗi lo trên xuất phát từ việc Bộ Ngoại giao Malaysia tối cùng ngày đưa ra tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề biển Đông nhưng chỉ 3 giờ sau đã bất ngờ thông báo văn bản này được rút lại để “chỉnh sửa khẩn cấp”. Tuy nhiên, không có bản cập nhật nào được đưa ra sau đó. Cuối cùng, ASEAN quyết định không ra tuyên bố chung và các nước thành viên sẽ ra tuyên bố riêng nếu muốn, theo lời một nhà ngoại giao của khối.
Cũng vào cuối ngày 14-6, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Singapore cho biết Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan - người cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ tọa hội nghị tại TP Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam nói trên - đã ghi nhận những nỗi lo ngại sâu sắc của các ngoại trưởng ASEAN về diễn biến trên thực địa ở biển Đông.
Không có lý do nào được đưa ra cho hành động “trước sau không như một” của ASEAN. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nội dung tuyên bố chung bị rút lại có những lời lẽ cứng rắn về tình hình biển Đông, khiến một vài nước thành viên ASEAN không vừa ý. “ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những sự việc đã và đang diễn ra trên biển Đông, làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh, ổn định trên biển Đông” - tuyên bố ban đầu nêu rõ dù không chỉ đích danh Trung Quốc.
Sau khi ghi nhận những tiến triển trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc, tuyên bố nhấn mạnh “không thể làm ngơ” những gì đang xảy ra ở biển Đông vì đây là vấn đề quan trọng trong mối quan hệ và sự hợp tác giữa hai bên. Các ngoại trưởng ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự do đi lại trên biển và trên không ở biển Đông, đồng thời kêu gọi giải quyết các tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
Ông Ian Storey, một nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nhận định tuyên bố chung ban đầu không chỉ lặp lại nỗi lo ngại của ASEAN về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa biển Đông mà còn chỉ trích lập trường của Bắc Kinh. Theo đó, vấn đề tranh chấp ở biển Đông không phải là chuyện giữa ASEAN và Trung Quốc. “Có lẽ những nội dung này vượt quá sự chấp nhận của một vài nước thành viên ASEAN và tuyên bố chung đã bị rút lại” - ông Storey nói với Reuters. Một quan chức Đông Nam Á giấu tên tiết lộ với trang Bloomberg rằng tuyên bố chung “chết yểu” sau khi Trung Quốc vận động hành lang Lào, nước đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay.
Bắc Kinh sẵn sàng trả giá
Bước đi nói trên một lần nữa làm dấy lên nỗi lo về sự thống nhất của ASEAN về vấn đề biển Đông trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Bắc Kinh cho đến giờ không công nhận vụ kiện cũng như phán quyết của PCA bất chấp cộng đồng quốc tế kêu gọi nước này tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc là một thành viên.
AP nhận định bằng cách quay lưng với PCA, Trung Quốc coi như đã sẵn sàng chấp nhận trả giá về mặt uy tín, hình ảnh để đổi lấy những lãnh thổ đang kiểm soát phi pháp ở biển Đông. “Xét về khía cạnh trữ lượng dầu, tài nguyên thiên nhiên và tầm quan trọng chiến lược (của biển Đông), chính phủ Trung Quốc đang sẵn sàng đánh đổi” - ông Michael Desch, đồng Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Trường ĐH Notre Dame (Mỹ), nhận định.
Không dừng lại ở đó, giới phân tích còn chỉ ra một cái giá không nhỏ khác đến từ sự ngang ngược của Trung Quốc: Phá hoại nỗ lực giải quyết những tranh chấp lãnh thổ tương tự trên thế giới thông qua con đường pháp lý. Ông James Kraska, giáo sư tại Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ, đặc biệt chỉ trích Bắc Kinh đang “nêu gương xấu” trong việc không tuân thủ UNCLOS, nhất là điều khoản về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Nguy hiểm hơn, theo tờ The Wall Street Journal (Mỹ), việc Trung Quốc sắm vai “nạn nhân” ở biển Đông có thể khiến nước này leo thang hành động trả đũa trong trường hợp PCA ra phán quyết bất lợi. Trước mắt, dư luận quốc tế lo ngại Bắc Kinh có thể đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông, đe dọa dẫn đến những cuộc đụng độ ngoài ý muốn. Vụ máy bay chiến đấu Trung Quốc bị tố áp sát máy bay trinh sát Mỹ ở biển Đông gần đây là lời nhắc nhở nghiêm túc cho nguy cơ này.
Mỹ triển khai thêm tàu chiến đến Đông Á
Hạm đội 3 Hải quân Mỹ sẽ đưa thêm nhiều tàu đến Đông Á, hoạt động song song với các tàu của Hạm đội 7 đã được triển khai trước đó. Hồi tháng 4, một nhóm tàu của Hạm đội 3, trong đó có 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Spruance và USS Momsen, đã có mặt tại khu vực này.
Tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) dẫn lời chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, nêu rõ động thái điều thêm tàu của Mỹ diễn ra “trong bối cảnh khu vực đang bất ổn và đầy rẫy lo ngại”, ám chỉ những hành động khiêu khích của Trung Quốc. Đô đốc Swift lập luận Hải quân Mỹ nên huy động “sức mạnh tổng hợp” của 140.000 thủy thủ, hơn 200 tàu và 1.200 máy bay - lực lượng hình thành Hạm đội Thái Bình Dương. Hạm đội 7 hiện có một nhóm tàu sân bay tấn công, 80 tàu khác và 140 máy bay. Trong khi đó, Hạm đội 3 có hơn 100 tàu, trong đó có 4 tàu sân bay. Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ), nhận định động thái này có lẽ là một phần kế hoạch của Tổng thống Barack Obama về việc chuyển 60% nguồn lực Hải quân Mỹ đến châu Á để đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Bước đi trên chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh thêm khó chịu. Ông Gregory C. Huffman, chỉ huy tàu sân bay Mỹ John C. Stennis, hôm 15-6 cho biết tàu của ông đã bị một tàu do thám Trung Quốc bám theo khi tham gia cuộc tập trận với Nhật Bản và Ấn Độ ở Tây Thái Bình Dương. Theo ông Huffman, hành động bám đuôi này bắt đầu ngay từ khi tàu sân bay Mỹ tuần tra ở biển Đông. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tàu do thám lớp Dongdiao của Hải quân Trung Quốc xâm nhập vùng biển phía Nam đảo Kyushu của nước này. Bắc Kinh sau đó nói con tàu tuân thủ luật pháp quốc tế và nguyên tắc tự do hàng hải.
Huệ Bình
Bình luận (0)