Ngày 3-12, các quan chức tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nước châu Á - Thái Bình Dương nên tăng cường năng lực y tế và tiêm vắc-xin đầy đủ cho người dân để chuẩn bị cho làn sóng dịch Covid-19 do biến thể Omicron gây ra.
Biến thể Omicron xuất hiện lần đầu tiên tại miền Nam châu Phi vào tháng 11 và bị WHO xếp vào loại "đáng lo ngại". Các nhà khoa học vẫn đang thu thập dữ liệu để đánh giá mức độ lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của biến thể này.
Nó đã được phát hiện tại ít nhất 24 nước và bắt đầu có mặt tại châu Á vào tuần này, ví dụ như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Nhiều nước Đông Nam Á đã ghi nhận những ca Omicron đầu tiên ở Singapore, Malaysia... Nhiều chính phủ đã phản ứng bằng cách siết chặt các quy định đi lại.
"Việc kiểm soát biên giới có thể câu kéo thêm thời gian nhưng tất cả các nước phải chuẩn bị cho tình huống số ca nhiễm tăng mạnh. Các chính phủ không nên chỉ dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới. Đến nay, các thông tin có được cho thấy chúng ta không phải thay đổi cách tiếp cận" - ông Takeshi Kasai, giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến.
Biến thể Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 24 nước. Ảnh: Reuters
Theo ông Kasai, các nước phải tận dụng bài học kinh nghiệm trong việc đối phó với biến thể Delta. Đồng thời, ông thúc giục các chính phủ tiêm chủng đầy đủ cho những nhóm người dân dễ bị tổn thương và thực hiệp các biện pháp ngăn ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Bất chấp việc hạn chế du khách quốc tế, Úc đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng đầu tiên vào ngày 3-12, một ngày sau khi nó được phát hiện tại 5 bang của Mỹ.
Ông Kasai cho biết trên toàn cầu, các ca bệnh đã tăng trong 7 tuần liên tiếp và số người chết cũng bắt đầu tăng trở lại, phần lớn là do biến thể Delta và việc nới lỏng các biện pháp bảo vệ ở các nơi khác trên thế giới.
"Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy số ca nhiễm tăng trong tương lai. Khi sự lây truyền tiếp diễn, virus có thể tiếp tục đột biến. Sự xuất hiện của Omicron nhắc nhở chúng ta cần cảnh giác" - trích lời ông Kasai.
Omicron đang là mối quan tâm đặc biệt của các nhà tổ chức Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh khi sự kiện này sẽ bắt đầu trong vài tuần nữa. Bắc Kinh đang áp dụng "một loạt biện pháp phòng ngừa và kiểm soát toàn diện để giảm thiểu nguy cơ lây lan từ các ổ dịch nhập cảnh, bảo vệ hiệu quả sức khỏe của tất cả người tham gia và người dân của các thành phố đăng cai và đảm bảo rằng cuộc thi diễn ra an toàn và suôn sẻ như đã định", theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Bình luận (0)