Là thành viên của SEAL, thế giới của Chris Beck rất khó nhọc và nhiều bạo lực. Ông tham gia vào nhiều chiến dịch từ Thái Bình Dương cho đến Trung Đông và từng có mặt trong cuộc chiến Iraq vào năm 2003. Một trong những đơn vị cũ của Chris – đội số 6 của SEAL – đã thực hiện cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden vào tháng 5-2011 tại Pakistan.
Nhưng vào tháng 2 vừa qua, hơn 1 năm sau khi giã từ hải quân, Chris bất ngờ thay đổi hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội LinkedIn, biến thành một phụ nữ cao ráo với làn da ngăm ngăm và nở nụ cười trong chiếc áo trắng nữ tính. “Tôi giờ đã cởi bỏ mọi lớp ngụy trang và cho cả thế giới biết thực sự tôi là phụ nữ” – Chris viết và từ đó trở thành Kristin.
Chris Beck đã biến thành Kristin Beck. Ảnh: BBC
Nỗi lo lắng lớn của Kristin sau khi chuyển giới là sợ sẽ bị đồng đội cũ buộc tội làm ô danh SEAL vốn tôn vinh lòng trung thành, tính chính trực và sự tin tưởng. Tuy nhiên, ngoài 1 vài ý kiến “không thể chấp nhận”, đa phần phản ứng mà Kristin nhận được là tích cực. Cô kể với đài BBC: “Nhiều anh em SEAL nói với tôi: “Cậu đã canh gác suốt 20 năm và làm rất tốt nhiệm vụ đó. Tôi không hiểu lắm về quyết định này nhưng tôi ủng hộ cậu 100%”.
Kristin cùng viết một quyển sách mang tên “Công chúa chiến binh: Hành trình chuyển giới của một lính SEAL” với bà Anne Speckhard, giáo sư tâm lý của Đại học Georgetown tại Washington DC. “Tôi đã cố sống 3 cuộc đời cùng một lúc. Cuộc sống nữ tính bí mật, cuộc sống lính SEAL bí mật và một cuộc sống đời thường trình diễn cho người thân xem” – Kristin tâm sự. Cô đã trải qua 2 cuộc hôn nhân thất bại trên danh nghĩa đàn ông trong khi vẫn lén lút mua quần áo và vật dụng dành cho nữ giới.
Cuộc sống của một chiến binh SEAL chỉ là 1 trong 3 cuộc sống
mà Chris từng trải qua cùng một lúc. Ảnh: BBC
Nhịp độ hành quân nhanh và khắc nghiệt sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 cộng với những khắc khoải tình cảm khiến Kristin “hoàn toàn bị ức chế” và mắc phải chứng rối loạn tâm lý sau chấn thương (PTSD). Kristin nói việc chuyển giới đã có “ảnh hưởng mạnh mẽ” tới những triệu chứng PTSD. “Tôi không còn giận dữ nhiều và ngủ ngon hơn. Tất cả vì tôi cảm thấy vui hơn. Nhiều người nói với tôi: “Kris, đây là lần đầu tiên trong đời mình tôi thực sự thấy cô cười” – Kristin nói.
Quân đội Mỹ đang từng bước tháo dỡ rào cản đối với nữ giới. Nhưng theo Kris, quân đội còn cần nhìn nhận lại người chuyển giới. Cô nói: “Có thể tôi không còn thực hiện được những nhiệm vụ như trước nhưng tôi không phải là đồ bỏ đi. Tôi có thể phân tích thông tin tình báo hoặc làm lính gác ở các chốt kiểm soát”.
Kristin cho rằng cô khó có thể thực hiện được những nhiệm vụ ngày xưa
khi còn ở trong SEAL. Ảnh: US Navy
Bình luận (0)