Giáo sư khoa học chính trị và chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, Lynette Ong, đến từ trường ĐH Toronto – Canada nhận định tiếng vang từ phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông có thể vang xa tới các khu vực phía Tây Trung Quốc như Tây Tạng và đặc biệt là Tân Cương, nơi sinh sống của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ thiểu số.
Hai khu vực kể trên từ lâu thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột sắc tộc. Bắc Kinh cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để bình ổn trật tự vùng đất phía Tây phức tạp này. Thậm chí một số người Duy Ngô Nhĩ bản địa ở Tân Cương còn bị gắn mác “nghi can khủng bố” và bị chính phủ Trung Quốc truy tầm gắt gao.
Một nhà lãnh đạo lưu vong của người Duy Ngô Nhĩ cho rằng nếu cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông thắng lợi, nó sẽ truyền cảm hứng cho khu vực Tân Cương trong các bước hành động tiếp theo, có khả năng là một phong trào đòi dân chủ tương tự.
Tuy nhiên, giáo sư Choy Chi-keung tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông cho biết điều này khó có thể xảy ra. Theo ông Choy, cơ cấu bộ máy chính quyền của Hồng Kông khác so với Tân Cương và Tây Tạng, đó là Hồng Kông vẫn ít nhiều được hưởng một “mức độ tự chủ cao” trên danh nghĩa do Bắc Kinh ban phát, trong thỏa thuận ký kết vào năm 1997.
Nhưng việc xử lý tiến trình bầu cử ở Hồng Kông có thể làm Bắc Kinh tiêu tan hy vọng thuyết phục Đài Loan đoàn tụ với Trung Quốc theo con đường “một quốc gia, hai chế độ”. Ông Gao Wenqian, cố vấn cao cấp của nhóm vận động nhân quyền quốc tế (HR) ở Trung Quốc, lập luận: “Bắc Kinh đã nói với Đài Loan rằng các bạn có thể bảo vệ tất cả quyền dân chủ và tự do của bạn. Có ai tin được điều này sau khi chứng kiến phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm” (ở Hồng Kông)”.
Phương tiện truyền thông Trung Quốc tuần này đăng tải rất ít thông tin về cuộc biểu tình ở Hồng Kông do bị kiểm duyệt sát sao. Các trang mạng truyền thông xã hội lớn như Sina Weibo đều chặn các đường liên kết đến phong trào biểu tình.
Bình luận (0)