Tại thành phố Sao Paulo của Brazil, ít nhất 65.000 người tập trung tại một quảng trường nhỏ để phản đối tình trạng tham nhũng và quyết định tăng 10% giá vé xe buýt và tàu điện ngầm vào tuần rồi.
Maria Claudia Cardoso, một người biểu tình, cho biết: “Chúng tôi đang bị tàn sát bởi các loại thuế của chính phủ. Đổi lại, mỗi khi rời khỏi nhà đi làm vào buổi sáng, chúng tôi không chắc liệu có sống sót trở về nhà vào cuối ngày bởi nạn bạo lực leo thang. Chúng tôi cũng không có trường học tốt cho con cái. Bệnh viện thì xuống cấp trầm trọng. Nạn tham nhũng tràn lan. Những cuộc biểu tình này sẽ đi vào lịch sử và cảnh tỉnh các chính khách rằng chúng tôi sẽ không còn chấp nhận hiện trạng này chút nào nữa”.
Biểu tình ở Rio de Janeiro hôm 17-6
Ảnh: AP
Tại thủ đô Brasilia cũng diễn ra các cuộc tuần hành phản đối tương tự, trong đó một số người đập vỡ cửa sổ các tòa nhà. Tuy nhiên, cảnh sát không dùng vũ lực để khống chế thiệt hại. Bạo lực cũng xảy ra tại thành phố Rio de Janeiro, nơi một nhóm người biểu tình đốt xe hơi và ném đá, pháo sáng về phía cảnh sát. Tại thành phố Porto Alegre, người biểu tình ném đá vào các xe lửa.
Các vụ bạo lực nói trên đã gây ra những lo ngại về an ninh, nhất là khi Brazil sắp đón giáo hoàng Francis trong 1 tháng nữa cũng như chuẩn bị cho sự kiện World Cup vào năm 2014 và Olympic vào năm 2016.
Tại Indonesia, quốc hội vào cuối ngày 17-6 thông qua kế hoạch điều chỉnh chi tiêu ngân sách, trong đó có việc tăng giá xăng lên 44%, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối của người dân. Theo kế hoạch, giá mỗi lít xăng sẽ tăng từ 4.500 rupiah lên 6.500 rupiah (gần 14.000 đồng) trong những tuần tới nhằm cắt giảm ngân sách trợ giá xăng dầu của nhà nước.
Biểu tình phản đối tăng giá xăng ở Jakarta hôm 17-6
Ảnh: Reuters
Khoảng 4.000 người đã tuần hành và đốt vỏ xe bên ngoài trụ sở quốc hội ở Jakarta để phản đối bất kỳ động thái tăng giá xăng nào. Khoảng 20.000 cảnh sát đã được triển khai để duy trì trật tự do lo ngại bạo lực sẽ bùng phát như các cuộc biểu tình tương tự trước đó. Ngoài Jakarta, các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở nhiều thành phố khác khắp nước.
Các nhà cho vay quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, đã thúc giục chính phủ Indonesia chấm dứt việc trợ giá xăng dầu để lấy tiền đầu tư cho những chương trình xã hội quan trọng khác, như chăm sóc sức khỏe và phát triển hạ tầng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống dự kiến diễn ra vào năm tới, việc trợ giá xăng dầu được xem là một vấn đề chính trị nhạy cảm. Với quyết định trên, có vẻ như quốc hội đã gạt sang một bên yếu tố chính trị trong nỗ lực tránh để nền kinh tế chịu những tác động tiêu cực.
Bình luận (0)