Đó là lý giải của cựu Bộ trưởng Tài chính Afghanistan Khalid Payenda trên đài BBC ngày 10-11. Ông Khalid Payenda khẳng định khoảng 300.000 binh lính và cảnh sát có tên trong biên chế của chính phủ Afghanistan không tồn tại. Do các quan chức cấp tỉnh hạch toán không trung thực, ông Payenda nói rằng con số binh lính đã bị thổi phồng lên gấp 6 lần con số thực tế.
Theo ông Payenda, cái gọi là "binh lính ma" được các quan chức tham nhũng lưu trên sổ sách để lấy tiền lương của họ. Ông Payenda cho biết khi binh lính bị giết hoặc đào ngũ, chỉ huy của họ sẽ giữ thẻ ngân hàng và rút tiền lương của họ.
Taliban đã tích trữ được một số lượng vũ khí khổng lồ mà Mỹ cung cấp cho quân đội Afghanistan. Ảnh: AP
Kênh RT cho biết Mỹ trước đó đã nêu lên những lo ngại về số lượng quân đội và cảnh sát thực tế ở Afghanistan, trong một báo cáo năm 2016 của Tổng thanh tra đặc biệt Mỹ. Báo cáo nêu rõ: "Cả Mỹ và các đồng minh Afghanistan đều không biết có bao nhiêu binh sĩ và cảnh sát Afghanistan thực sự tồn tại".
Bên cạnh vấn đề "binh lính ma", cựu Bộ trưởng Tài chính Payenda cho rằng các quan chức quân đội đã "ăn hai mang" khi vừa nhận tiền lương chính phủ vừa nhận các khoản thanh toán từ Taliban để đầu hàng, giúp Taliban kiểm soát Kabul mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào.
Theo ông Payenda, việc quân đội không được trả lương đúng hạn cũng là một trong những nguyên nhân khiến của chính phủ Afghanistan sụp đổ nhanh chóng.
Thế nhưng, ông Payenda vẫn lên tiếng bảo vệ chính phủ cũ và người đứng đầu - cựu Tổng thống Ashraf Ghani - khi bác bỏ cáo buộc rằng những người đứng đầu đất nước "tham nhũng tài chính", mà nhấn mạnh đó chỉ là hành động của các quan chức cấp tỉnh.
Binh lính thuộc Quân đội Quốc gia Afghanistan canh gác tại một chốt kiểm tra ở quận Guzara, tỉnh Herat, Afghanistan, hồi tháng 8. Ảnh: Reuters
Chiến thắng chóng vánh của Taliban vào tháng 8 vừa qua, sau hơn 20 năm lực lượng Mỹ và NATO ở Afghanistan, đã khiến các quan chức trên khắp thế giới sửng sốt trước tốc độ tiến công của Taliban.
Nhóm chiến binh Hồi giáo nhanh chóng đánh chiếm các thành phố lớn, trong một vài trường hợp, thậm chí còn chưa nổ súng. Thay vì tranh giành lãnh thổ, Taliban thường thực hiện các giao dịch với các thủ lĩnh địa phương.
Được xây dựng và huấn luyện trong 2 thập kỷ với chi phí lên tới 83 tỉ USD nhưng lực lượng Afghanistan đã sụp đổ nhanh chóng và hoàn toàn, khiến cho Taliban trở thành bên hưởng lợi từ các khoản đầu tư của Mỹ.
Phát biểu sau sự sụp đổ của Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận sự ngạc nhiên của chính ông khi mọi thứ đổ sụp nhanh chóng, cho biết các lực lượng quốc tế đã cho chính quyền Afghanistan "mọi cơ hội" để xác định tương lai của chính mình.
Bình luận (0)