Libya đang sa lầy trong cuộc chiến tồi tệ nhất kể từ khi phiến quân trong nước được phương Tây hậu thuẫn lật đổ và giết chết nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011. Các cuộc giao tranh dữ dội sau đó nổ ra giữa các lực lượng ủng hộ 2 chính phủ đối đầu ở nước này.
Hôm 5-1, cuộc dàn xếp do Liên Hiệp Quốc (LHQ) bảo trợ đã không diễn ra như kế hoạch. Phát ngôn viên của LHQ Stephane Dujarric cho biết do tình hình xung đột tại Libya vẫn tiếp diễn ác liệt nên chưa thể tổ chức một cuộc đối thoại giữa 2 chính phủ.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande thúc đẩy LHQ hành động nhằm ngăn chặn bạo lực gia tăng tại quốc gia Bắc Phi và dòng chảy vũ khí từ Libya tới các nhóm chiến binh xung quanh khu vực Sahel.
Ông Hollande phát biểu trên đài phát thanh France-Inter hôm 5-1: “Chúng tôi đang cố gắng kiềm chế lực lượng khủng bố ở miền Nam Libya. Tuy nhiên, Pháp sẽ không can thiệp vào Libya vì đó là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Nhà lãnh đạo Pháp khẳng định quân đội nước này sẵn sàng tấn công những kẻ Hồi giáo cực đoan nếu chúng rời khỏi nơi lẩn trốn tại biên giới Libya. Hiện tại, Paris đang lập một căn cứ quân sự ở miền Bắc Niger, cách biên giới Libya khoảng 100 km, triển khai thêm 200 binh sĩ tại các tiền đồn sa mạc ở Madama. Bên cạnh đó, máy bay không người lái của Pháp và Mỹ sẽ hoạt động thường xuyên bên ngoài thủ đô Niamey của Niger.
Hồi tháng 12-2014, tại hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Dakar, thủ đô Senegal, các nhà lãnh đạo châu Phi kêu gọi phương Tây can thiệp quân sự vào Libya nhưng chính phủ nước này từ chối và chỉ yêu cầu sự giúp đỡ của Liên đoàn Ả Rập.
Chủ tịch Quốc hội Libya Aqila Issa nói với các phóng viên tại Cairo – Ai Cập: “Nếu chúng tôi cần hỗ trợ, chúng tôi sẽ yêu cầu những người anh em Ả Rập của mình”. Tuy ông Issa không đề cập tới loại hình viện trợ mà Libya đang tìm kiếm nhưng có thể đó là đề nghị gửi lên LHQ nhằm cho phép dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
Năm 2011, Pháp tiến hành không kích giúp lật đổ chế độ Gaddafi ở Libya và đuổi quân nổi dậy liên kết al-Qaeda từ phía Bắc Mali vào năm 2013. Nhưng sau đó, một số nhóm phiến quân chạy tới ẩn náu ở Libya, khiến tình hình càng trở nên tồi tệ.
Hiện Paris đang phát động chiến dịch quân sự chống lại những kẻ Hồi giáo cực đoan với 3.000 binh sĩ, 200 xe bọc thép và 6 máy bay chiến đấu tại Mauritania, Burkina Faso, Niger, Chad và Mali, tất cả đều thuộc khu vực Sahel.
Bình luận (0)