Sáng 31-5, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tham dự phiên toàn thể có nội dung “Giải quyết các căng thẳng mang tính chiến lược” tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 ở Singapore.
Bộ trưởng phát biểu: “Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề với Trung Quốc thông qua đối thoại hòa bình. Nhưng trong trường hợp không thể giải quyết tình hình bằng các phương cách song phương, chúng tôi phải tìm đến các biện pháp khác. Chắc chắn đó là giải pháp hòa bình”.
Trao đổi thêm bên lề phiên toàn thể với báo Straits Times (Singapore), Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết thêm trong số “các biện pháp khác” có việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Philippines hiện là nước đầu tiên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì những tranh chấp trên biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trao đổi với người đồng cấp Malaysia
Hishammuddin Hussein tại Đối thoại Shangri-La hôm 30-5. Ảnh: REUTERS
Trước đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sáng 31-5, sau khi ông Hagel kết thúc bài phát biểu đầu tiên của ngày làm việc thứ hai tại Đối thoại Shangri-La.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam có mặt tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết ông và ông Hagel có cùng quan điểm về giải quyết tranh chấp trên biển Đông, đó là "tôn trọng luật pháp quốc tế, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, giữ gìn ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và không có các hành động đơn phương".
Trước đó, trong các cuộc tiếp xúc song phương với đoàn các nước New Zealand, Singapore và Nga chiều 30-5, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã thông báo cụ thể về quan điểm và cách thức phản ứng của Việt Nam trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Jonathan Coleman và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Heng đều cho rằng những diễn biến nguy hiểm hiện nay tại biển Đông đang đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.
Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng biển Việt Nam từ đầu tháng 5 vừa qua, dẫn đến làn sóng chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ từ nhiều nước và tổ chức trên thế giới.
Bất chấp những phê phán và kêu gọi của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng khi một tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi đầu tuần này.
Có mặt trong chuyến thực địa ra khu vực giàn khoan Trung Quốc hoạt động trái phép, nhiều nhà báo nước ngoài đến từ Đài CNN (Mỹ), báo Yomiuri và Asahi (Nhật Bản)… cùng chung nhận định số tàu Trung Quốc vượt hơn Việt Nam cả về số lượng và độ lớn. Đặc biệt, những tàu này rất hung hăng, sẵn sàng lao về phía tàu đối phương.
Bình luận (0)