Theo tuyên bố từ văn phòng của ông Duterte hôm 30-7, Tổng thống Philippines tiếp đón ông Austin tại dinh thự ở thủ đô Manila tối 29-7 (giờ địa phương). Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận cởi mở và thẳng thắng về tình trạng cũng như hướng đi tương lai của mối quan hệ Mỹ-Philippines.
Cuộc gặp kéo dài khoảng 1 giờ 15 phút diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 70 năm hiệp ước phòng vệ chung.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc gặp tại Malacañang. Ảnh: Malacañang
Tuyên bố được đưa ra nhân chuyến thăm chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thủ đô Manila: "Cả hai nhất trí rằng liên minh hai nước có thể được củng cố hơn nữa thông qua tăng cường giao tiếp và hợp tác lớn hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực ứng phó với đại dịch, chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm cuộc chiến chống ma túy bất hợp pháp, nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, pháp quyền, thương mại và đầu tư".
Ông Austin viết trên Twitter rằng cuộc họp diễn ra "hiệu quả". Bộ trưởng Quốc phòng Austin dự kiến có các cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines trước khi rời đi trong ngày 30-7.
Ông Duterte hồi năm ngoái đã đề nghị chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) song phương, trong đó đặt ra điều kiện cho các cuộc tập trận chung và sự hiện diện của binh sĩ Mỹ ở Philippines. Quyết định này, được xem là xoay trục về phía Trung Quốc, là nỗ lực quan trọng đầu tiên của ông Duterte nhằm chấm dứt quan hệ quốc phòng với Mỹ.
Tuy nhiên, thỏa thuận đã nhiều lần được gia hạn khi căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc leo thang trong những tháng gần đây liên quan đến khu vực tranh chấp ở biển Đông. Với sự hậu thuẫn từ Mỹ, Philippines đã phản đối sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp trong khi phía Bắc Kinh đơn phương khẳng định sự hiện diện của họ trong khu vực là hợp pháp.
Theo trang Bloomberg, ông Austin đã tận dụng chuyến thăm Đông Nam Á để trấn an các đồng minh về cam kết của Mỹ trong việc hiện diện ở khu vực và thách thức những gì ông mô tả là hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Chuyến thăm thứ hai đến Đông Nam Á của người đứng đầu Lầu Năm Góc với tư cách là bộ trưởng diễn ra vào thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung đang gia tăng và khi các quốc gia ở Đông Nam Á chật vật với làn sóng ca mắc Covid-19 mới.
Bình luận (0)