Hải quân Mỹ đang triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến Thái Bình Dương, gồm USS Ronald Reagan và USS Nimitz, giữa lúc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực.
Tuyên bố của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ cho biết trước khi lên đường, USS Ronald Reagan đã được trang bị thêm một lượng lớn vũ khí. Trong khi đó, nhóm tàu sân bay tác chiến thứ ba, USS Theodore Roosevelt, cũng đã rời đảo Guam hồi tuần trước sau quãng thời gian tạm ngưng hoạt động 2 tháng vì nhiều binh sĩ nhiễm đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) làm dấy lên sự hoài nghi về năng lực sẵn sàng tác chiến của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương.
Tàu sân bay USS Nimitz được triển khai từ TP San Diego - Mỹ hôm 8-6 để hỗ trợ các hoạt động an ninh hàng hải toàn cầu .Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
"Điểm mấu chốt là các sứ mệnh vẫn tiếp diễn và không bị ngưng vì Covid-19. Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy an ninh khu vực cùng các đối tác và duy trì tình trạng sẵn sàng tác chiến ở mức rất cao" - Chuẩn đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến do USS Ronald Reagan dẫn đầu, khẳng định với báo The Wall Street Journal hôm 10-6.
Không quân Mỹ cũng đang triển khai nhiều máy bay ném bom B-1B và máy bay do thám không người lái Global Hawk đến biển Đông cùng những khu vực khác của Thái Bình Dương. Đây là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm duy trì các sứ mệnh trinh sát và răn đe trong khu vực vào thời điểm căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Không quân Mỹ nhấn mạnh máy bay ném bom B-1B đang được triển khai từ Guam để hỗ trợ Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là trên biển Đông.
Trong bối cảnh Trung Quốc hành động ngày càng ngang ngược không chỉ ở biển Đông mà còn ở biển Hoa Đông, các cuộc tập trận chung giữa Nhật Bản và Mỹ đã diễn ra bất chấp dịch Covid-19. Trong đợt tập trận chung gần đây nhất vào ngày 27-5, cũng là đợt thứ ba kể từ tháng 4, hai máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ cùng 16 chiến đấu cơ F-15 và F-2 của Lực lượng Phòng không Nhật Bản (JASDF) đã diễn tập nhiều nội dung trên biển và quanh quần đảo Okinawa. Bất chấp những lo ngại liên quan đến dịch Covid-19, Nhật Bản còn có kế hoạch tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), dự kiến được Hải quân Mỹ tổ chức từ ngày 17 đến 31-8 tới, để thể hiện sự ủng hộ dành cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "mở và tự do".
Trong khi đó, theo báo Asia Times, Trung Quốc còn đối mặt sức ép mới sau khi Úc và Ấn Độ ký Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau (MLSA) hôm 4-6. Thỏa thuận này đặt nền tảng cho các cuộc trao đổi và tập trận quân sự giữa 2 nước ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Dù vậy, theo tờ Global Times, một số nhà phân tích xem đây là nỗ lực chung của Ấn Độ và Úc nhằm đối phó Trung Quốc.
Với thỏa thuận nêu trên, theo trang Asia Times, Úc đang dần trở thành trụ cột vững chắc hơn trong "Bộ tứ kim cương" với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. New Delhi nhiều khả năng mời Canberra tham dự cuộc tập trận hải quân Malabar cùng với Washington và Tokyo - dự kiến diễn ra trong tháng 7 hoặc 8 tới. Trong khi đó, thỏa thuận cũng cho thấy Ấn Độ không còn ngại làm phật lòng Trung Quốc sau lần đụng độ trên dãy Himalaya giữa binh sĩ 2 nước hồi tháng 5 - lần thứ hai trong những năm gần đây.
Thủ tướng Úc "cứng" với Bắc Kinh
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 11-6 tuyên bố ông sẽ không bao giờ đánh đổi các giá trị của đất nước trước "sự cưỡng ép" xuất phát từ bất kỳ nơi nào sau khi Trung Quốc liên tục có những động thái nhằm vào quốc gia này.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc với tổng giá trị kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 163 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao hai nước này đã xấu đi trong những năm gần đây giữa lúc xuất hiện cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào chuyện nội bộ của Canberra và tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại vùng Thái Bình Dương. Ngoài ra, Úc còn nhiều lần chỉ trích các hành động đơn phương sai trái của Trung Quốc ở biển Đông. Mối quan hệ này càng thêm căng thẳng thời gian qua sau khi Úc kêu gọi cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc và sự lây lan của virus gây đại dịch Covid-19.
Do dịch Covid-19 khởi phát từ TP Vũ Hán - Trung Quốc, không gì lạ khi Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ và có một loạt động thái trả đũa, như cấm nhập khẩu thịt bò và áp thuế đối với lúa mạch từ Úc. Không dừng lại ở đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm 9-6 nói sinh viên nước này nên cân nhắc lại việc lựa chọn du học tại Úc, qua đó đe dọa ngành giáo dục quốc tế đem lại cho Canberra 26 tỉ USD hằng năm. Còn vào tuần rồi, Bắc Kinh cảnh báo người dân không nên đến Úc du lịch. Trong cả hai tuyên bố này, theo Reuters, các quan chức ở Bắc Kinh viện dẫn nguy cơ người châu Á bị tấn công phân biệt chủng tộc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn hoành hành. Tuy nhiên, ông Morrison đã bác bỏ những cảnh báo "ngớ ngẩn" nói trên trong lúc chính phủ Úc gửi công hàm phản đối đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra.
Hoàng Phương
Bình luận (0)