Theo hãng tin Bloomberg, thỏa thuận này sẽ mở đường cho hai nước tiếp cận các căn cứ quân sự, cảng biển của nhau. Không chỉ tăng cường quan hệ quốc phòng mà lĩnh vực thương mại, giáo dục, khai thác tài nguyên biển… cũng được thắt chặt, theo Thủ tướng Morrison.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho hay kim ngạch thương mại của nước này với Ấn Độ trong 1 năm (tính đến tháng 6-2019) là 1,1 tỉ AUD - một con số khiến cả hai bên chưa hài lòng. Với thỏa thuận mới, hai nước có thể phát triển các chuỗi cung ứng mới trong nhiều ngành công nghiệp then chốt như đất hiếm và khoáng sản…
Đằng sau cú bắt tay được Thủ tướng Modi mô tả là "nghĩa vụ thiêng liêng" nhằm duy trì các giá trị dân chủ, luật lệ toàn cầu và sự tôn trọng dành cho các thể chế quốc tế này, giới phân tích không khó để nhìn thấy bóng dáng của cả Trung Quốc và Mỹ.
Trong khi binh lính Ấn - Trung đang đụng độ trên dãy Himalaya thì Úc bị đối tác thương mại lớn nhất của mình cấm nhập khẩu thịt từ 4 công ty và áp thuế hơn 80% đối với lúa mạch. Dù Bắc Kinh không thừa nhận song các nhà quan sát cho rằng nước này trả đũa vì Úc kêu gọi mở cuộc điều tra toàn diện nhằm vào đại dịch Covid-19.
Hình ảnh cuộc họp trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison tại đầu cầu New Delhi hôm 4-6 Ảnh: PIB
Ấn Độ lâu nay muốn củng cố vị thế trung tâm sản xuất trong khu vực và đang thu hút các công ty muốn rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Về phần mình, Úc muốn tăng cường hợp tác với các nước khác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để giảm bớt tác động từ mối quan hệ Mỹ - Trung.
Một mặt Úc là đồng minh truyền thống của Mỹ nhưng mặt khác lại là nền kinh tế phát triển phụ thuộc Trung Quốc nhiều nhất. Dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên có những chỉ trích dành cho đồng minh, thêm vào đó thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung nếu suôn sẻ cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc.
Quan hệ Ấn - Úc gần đây khởi sắc một phần nhờ hai nước nằm trong nhóm "Bộ tứ" cùng Mỹ và Nhật Bản. Năm ngoái, nhóm này đã nâng cấp đối thoại lên cấp bộ trưởng, với mục tiêu xây dựng lập trường chung về các vấn đề an ninh khu vực. Động thái này bị Trung Quốc phản đối bởi "Bộ tứ" đang can dự nhiều hơn vào hoạt động hàng hải giữa lúc Bắc Kinh tăng cường hiện diện ở biển Đông và Ấn Độ Dương.
Bình luận (0)