Trong một tuyên bố, Boeing cho biết "ước tính tốt nhất của hãng tại thời điểm này" là máy bay sẽ trở lại hoạt động trong 3 tháng cuối năm nay.
Hầu hết khoản phí 4,9 tỉ USD nêu trên sẽ được sử dụng để bồi thường cho khách hàng của Boeing vì sự gián đoạn lịch trình và sự chậm trễ trong việc giao máy bay.
Boeing chi 4,9 tỉ USD để trang trải sau khi loại máy bay 737 Max phải ngừng bay trên khắp thế giới. Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi đang thực hiện các bước thích hợp để quản lý thanh khoản và tăng tính linh hoạt của bảng cân đối kế toán theo cách tốt nhất có thể khi chúng tôi đang vượt qua những thách thức này" - Giám đốc tài chính của Boeing, ông Greg Smith, xác nhận trong một tuyên bố.
Cũng trong tuyên bố trên, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg nói: "Đây là một thời điểm xác định đối với Boeing. Không có gì quan trọng đối với chúng tôi hơn sự an toàn của các phi hành đoàn và hành khách bay trên máy bay của chúng tôi".
Một vụ tai nạn 737 Max ở Indonesia vào tháng 10-2018 và một vụ khác ở Ethiopia vào tháng 3-2019 đã làm chết tổng cộng 346 người.
Kể từ đó, Boeing phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử sau khi máy bay bán chạy nhất của họ đã ngừng bay trên toàn thế giới sau các thảm họa trên.
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đã cắt giảm tỉ lệ sản xuất hàng tháng từ 52 xuống 42 khi các hãng hàng không ngừng mua hàng.
Boeing cho biết họ tiếp tục hợp tác với các cơ quan hàng không để đưa 737 Max trở lại không trung, điều mà họ hy vọng sẽ thực hiện trong quý IV/2019.
Tuy nhiên, Boeing thận trọng cho biết giả định này phản ánh ước tính tốt nhất của công ty tại thời điểm này, còn thời gian thực tế hoạt động trở lại có thể khác với ước tính trên.
Boeing cũng cảnh báo rằng nếu công ty không đạt được thời gian biểu này và phải trì hoãn việc nối lại giao hàng cho khách hàng, điều này "có thể dẫn đến tác động tài chính thêm nữa".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Elaine L Chao dường như ít chắc chắn hơn rằng loại máy bay này sẽ giải quyết hết mọi khúc mắc để bay trở lại trong năm nay.
Bà cho biết Cục Quản lý Hàng không Liên bang sẽ dỡ bỏ lệnh cấm máy bay này khi cơ quan này cảm thấy điều đó an toàn.
Các nhà phân tích cho rằng Boeing phải đối mặt với chi phí tài chính nặng nề sau thảm họa và đang chờ đợi được xóa bỏ mọi tai tiếng.
Bình luận (0)