Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) dự kiến điều chuyển hành khách từ Guinea và Cộng hòa Dân chủ Congo đến 5 hoặc 6 sân bay được chỉ định, sau đó thu thập dữ liệu phục vụ quá trình truy vết.
hành khách này cũng được kiểm tra sức khỏe cơ bản. Kế hoạch trên vẫn đang được thảo luận tại Nhà Trắng và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC).
Trước đó, hôm 17-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) báo cáo một loạt trường hợp mắc Ebola ở Guinea. Trong số 7 trường hợp được ghi nhận, 5 người tử vong và 2 người bị cách ly tại cơ sở y tế. Báo cáo của WHO lúc đó chưa xác định chủng virus Ebola cụ thể.
Tiêm phòng Ebola ở Guinea để ngăn chặn đợt bùng phát dịch mới Ảnh: UN NEWS
WHO cảnh báo nguy cơ lây lan Ebola ở Guinea rất cao do không xác định được quy mô, thời gian và nguồn gốc của đợt bùng phát; số trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân lớn; khả năng lây lan sang các khu vực khác của Guinea và các nước lân cận cao; năng lực ứng phó hạn chế và chủng virus không xác định.
Tất cả 6 nước có biên giới với Guinea đang hoàn thiện kế hoạch sẵn sàng ứng phó Ebola của họ, theo WHO. Tuy nhiên, một công cụ đánh giá của WHO cho thấy tình trạng sẵn sàng tổng thể ở 6 nước này mới đạt gần 66%, thấp hơn mức chuẩn 80%.
"Hành động ngay bây giờ hoặc trả giá bằng nhiều sinh mạng và nền kinh tế bị hủy hoại. Giám sát có hệ thống, chuẩn bị toàn diện và phối hợp xuyên biên giới chặt chẽ là điều rất quan trọng để phát hiện bất kỳ trường hợp nghi nhiễm nào. Cần bảo đảm họ nhanh chóng được cách ly, điều trị và tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao" - bác sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, khuyến cáo.
Kể từ khi virus Ebola được phát hiện lần đầu vào năm 1976, đã có hơn 20 đợt bùng phát dịch ở khu vực Hạ Sahara tại châu Phi, bao gồm Sudan, Uganda và Gabon. Trong số này, đợt dịch năm 2014-2016 ở Tây Phi lớn nhất, với 28.000 ca mắc và hơn 11.000 ca tử vong - tạo thành tỉ lệ tử vong khoảng 63%.
Bình luận (0)