Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định IS đã bị đánh bại hoàn toàn trong năm nay, các quan chức quốc phòng tại khu vực lại nghĩ khác khi cho rằng tàn dư của tổ chức khủng bố này vẫn tồn tại ở đây.
Một báo cáo gần đây của Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo việc Washington rút bớt lực lượng khỏi Syria theo yêu cầu của ông Trump đồng nghĩa Mỹ phải cắt giảm sự hỗ trợ dành cho các lực lượng đồng minh của mình trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Các lực lượng quốc tế và Mỹ giờ đây chỉ có thể nỗ lực bảo đảm rằng IS vẫn bị kiềm chế và không tiếp cận được các khu vực đô thị.
Dù không có nhiều lo ngại rằng IS sẽ chiếm lại phần lãnh thổ mà chúng từng kiểm soát trước đây - rộng bằng diện tích nước Anh với 12 triệu người, song tổ chức khủng bố này vẫn huy động được đến 18.000 tay súng còn lại ở Iraq và Syria.
Chưa hết, các thành viên của nhóm này còn tiến hành những cuộc tấn công, phục kích, bắt cóc và ám sát các lực lượng an ninh cũng như các lãnh đạo cộng đồng địa phương.
Một chốt an ninh tại TP Manbij - Syria. Ảnh: The New York Times
IS cũng lập lại mạng lưới tài chính và tìm cách tuyển mộ thành viên mới. Nhóm này vẫn có thể khai thác khối tài sản trị giá tới 400 triệu USD được cất giấu ở cả Iraq và Syria hoặc các nước láng giềng.
IS còn được cho là đã được đầu tư vào những lĩnh vực như nuôi cá, buôn bán xe hơi và hoạt động trồng cần sa.
Trong vài tháng qua, tổ chức khủng bố này còn tăng cường hiện diện tại trại tị nạn Al Hol ở miền đông bắc Syria - nơi hơn 70.000 người đang sinh sống, trong đó có hàng ngàn người là thành viên gia đình của các tay súng IS.
Các quan chức tình báo Mỹ cho biết trại tị nạn Al Hol này do lực lượng người Kurd ở Syria kiểm soát nhưng lực lượng này không nhận được sự hỗ trợ và những đảm bảo an ninh cần thiết. Vì thế, đã xuất hiện nỗi lo những tư tưởng của IS có thể lan truyền tại đây, từ đó "nuôi dưỡng" một thế hệ khủng bố mới trong tương lại.
Tại trại tị nạn Al Hol, lực lượng người Kurd tại Syria "chỉ có thể đảm bảo an ninh tối thiểu, từ đó tạo điều kiện cho sự phát tán của tư tưởng IS" - theo báo cáo nói trên.
Một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc cũng có kết luận tương tự khi nhấn mạnh các thành viên trong gia đình của IS sống ở Al Hol "có thể trở thành mối đe dọa nếu không có biện pháp giải quyết hợp lý".
Trại tị nạn Al Hol. Ảnh: The New York Times
Nguy cơ còn đến từ việc lực lượng người Kurd ở Syria đang nhốt 10.000 tay súng IS, trong đó có 2.000 người nước ngoài, tại những nhà tù tạm bợ. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cũng lo ngại IS có thể đang lợi dụng tình trạng an ninh lỏng lẻo để tuyển mộ thành viên mới và cả những thành viên đã rời chiến trường.
Nhìn chung, nhận định của các quan chức tình báo Iraq, Mỹ và phương Tây, cũng như đánh giá của Liên Hiệp Quốc đều chỉ ra sự trỗi dậy trở lại của IS, không chỉ ở Iraq và Syria mà còn ở những chi nhánh trải dài từ Tây Phi tới Ai Cập.
Sự trỗi dậy này đe dọa đến các lợi ích của Mỹ và đồng minh, nhất là khi chính quyền Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria và chuyển sự tập trung sang cuộc đối đầu với Iran.
"Dù IS hiện có thể suy yếu thế nào, chúng vẫn là một phong trào toàn cầu thực sự và chúng ta dễ bị tổn thương tại bất kỳ đâu trên thế giới" - bà Suzanne Raine, cựu giám đốc Trung tâm Phân tích Khủng bố của Anh, cảnh báo.
Những người đàn ông chạy trốn khỏi Baghuz, khu vực cuối cùng do IS kiểm soát ở Syria, chờ được thẩm vấn hồi tháng 2 qua. Ảnh: The New York Times
Đối với người Iraq sống tại các địa phương IS từng hoạt động, cảm giác về mối đe dọa không hề biến mất. Các cuộc tấn công tại đó chỉ chậm lại nhưng không bao giờ dừng lại. Trong vòng 6 tháng đầu năm nay, đã có 139 vụ tấn công ở các tỉnh Nineveh, Salahuddin, Kirkuk, Diyala và Anbar, khiến 274 người thiệt mạng.
Một báo cáo mới hơn của Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ đã đánh giá hoạt động của IS từ tháng 4 đến tháng 6 qua và đưa ra kết luận nhóm này "đang hồi sinh" ở Syria trong lúc "củng cố khả năng nổi dậy ở Iraq".
Thách thức lớn hiện nay là Mỹ chỉ còn 5.200 binh sĩ ở Iraq và chưa đến 1.000 quân ở Syria. "Sự rời đi của lực lượng Mỹ đang tạo điều kiện để IS chiếm lại các vũng lãnh thổ trong lúc cưỡng ép người dân địa phương" - ông Colin P. Clarke, chuyên gia tại Trung tâm Soufan, tổ chức nghiên cứu về các vấn đề an ninh toàn cầu, nhận định.
Bình luận (0)