Theo ước tính của cảnh sát, khoảng 3 triệu người xuống đường ở 200 thành phố trong ngày 13-3 để kêu gọi tổng thống từ chức giữa lúc làn sóng giận dữ về những cuộc điều tra tham nhũng và suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong những năm gần đây lan rộng .
Trong tuần này, chủ tịch hạ viện Eduardo Cunha, người phản đối bà Rousseff, dự kiến sẽ thành lập ủy ban bắt đầu quá trình luận tội về những cáo buộc thất bại trong quản lý tài chính của chính quyền bà Rousseff . Ông Eduardo Cunha không cho biết thành phần ủy ban nhưng hôm 12-3, các thành viên Đảng phong trào dân chủ Brazil (PMDB) của quan chức này cam kết ủy ban sẽ độc lập với chính quyền bà Rousseff.
Tổng thống Rousseff và đảng Lao động cầm quyền của bà đang nỗ lực chống đỡ khi bị cáo buộc liên quan đến cuộc điều tra nhận hối lộ và tham ô quy mô lớn ở công ty dầu khí quốc gia Petrobras. Dù vậy trước đó, Tổng thống Brazil tuyên bố sẽ không từ chức.
Ông Rogerio Chequer, lãnh đạo của Vem Pra Rua, một trong các nhà tổ chức cuộc biểu tình tại tại Sao Paulo, nói rằng: “Chúng tôi đang ở trong thời điểm quyết định cho đất nước. Chúng tôi sẽ bắt đầu sự thay đổi bây giờ".
Các nhà tổ chức ước tính 1 triệu người tham gia cuộc tuần hành chống bà Rousseff ở TP Rio de Janeiro. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng cuộc biểu tình lịch sử này có thể dẫn đến sự tan rã của liên minh cầm quyền của nữ tổng thống.
Ông Francisco Fonseca, giáo sư khoa học chính trị tại Trường ĐH Pontifical Catholic ở Sao Paulo, cho biết: “Đây là tình trạng chính phủ không thể cầm quyền. Tổng thống có rất ít sự ủng hộ”.
Không chỉ bà Rousseff, cố vấn kiêm người tiền nhiệm của nữ lãnh đạo này là ông Luiz Inacio Lula da Silva cũng đang đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. Ông Silva đang đợi phán quyết từ thẩm phán TP Sao Paulo về việc liệu ông có bị giam giữ về các tội danh tham nhũng hay không.
Bình luận (0)