Nguy cơ này thể hiện rõ tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của BRICS trong tuần này ở Brazil, nơi các nhà lãnh đạo chính thức thông qua thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ Dự phòng khẩn cấp (CRA) 100 tỉ USD.
Quá trình thương thảo NDB lẽ ra đã không quá căng thẳng và kéo dài đến 2 năm nếu không có trở ngại mang tên Trung Quốc. Nước này ban đầu muốn góp vốn nhiều hơn nhưng bị phản đối. Brazil và Ấn Độ cuối cùng đã thành công trong việc giữ số vốn điều lệ 50 tỉ USD chia đều cho các nước sáng lập.
Chưa hết, Trung Quốc và Ấn Độ còn tranh cãi nảy lửa về nơi đặt trụ sở ngân hàng. Giải pháp thỏa hiệp của BRICS là trụ sở NDB đặt tại Thượng Hải - Trung Quốc nhưng chủ tịch đầu tiên là người Ấn Độ. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn cam kết đóng góp nhiều nhất cho CRA với 41 tỉ USD.
Các nhà lãnh đạo 5 nước thành viên BRICS tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên
diễn ra ở Brazil từ ngày 15 đến 17-7. Ảnh: Reuters
Không ít người lo ngại Bắc Kinh sẽ tìm cách khống chế NDB và CRA để phục vụ lợi ích riêng, như mở rộng ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài.
Ông Riordan Roett, nhà khoa học chính trị tại Trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nhận định: “Người Trung Quốc sẽ không tham gia những dự án loại này nếu không có được tiếng nói đầy trọng lượng. Việc Trung Quốc tìm cách thống trị ngân hàng mới là điều khó tránh khỏi”.
Theo ông Paulo Wrobel, giáo sư tại Trung tâm Chính sách BRICS ở Rio de Janeiro - Brazil, dù sao thì kinh tế Trung Quốc cũng lớn hơn 4 thành viên còn lại nên Bắc Kinh dĩ nhiên có lý do để đòi hỏi thêm vai trò ở NDB.
Không chỉ gặp thách thức trong kiềm chế tham vọng của Trung Quốc, các thành viên khác của BRICS còn bất mãn khi thấy Bắc Kinh chậm tự do hóa đồng nhân dân tệ, khiến hàng hóa xuất khẩu của nước này rẻ hơn. Brazil là một trong những nước buộc phải nâng cao rào cản thương mại để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước làn sóng hàng Trung Quốc mấy năm qua.
Sự ra đời của NDB và CRA - như Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ ra - là nhằm chống lại sự phụ thuộc của hệ thống tài chính quốc tế vào các chính sách của Mỹ.
BRICS kỳ vọng NDB và CRA sẽ trở thành đối trọng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - những thể chế tài chính toàn cầu đang chịu sự kiểm soát của Mỹ, châu Âu và bị chỉ trích là quá khắt khe đối với nhu cầu tiếp cận vốn của các nước mới nổi và đang phát triển.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên có dấu hiệu chững lại và nội bộ nhóm còn nhiều khác biệt về thể chế, quy mô kinh tế sẽ khiến hy vọng trên của BRICS không dễ thành hiện thực, nhất là khi vẫn còn đó tham vọng bá quyền của Trung Quốc.
Bình luận (0)