Các nhà lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Mỹ hôm 13-9 (giờ địa phương) cho biết họ đã đạt được thỏa thuận bảo vệ hàng ngàn người nhập cư trẻ tuổi khỏi bị trục xuất và tài trợ cho vấn đề an ninh biên giới - không bao gồm bức tường xây dọc biên giới Mexico - với Tổng thống Donald Trump.
Thông tin trên được thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer và thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi xác nhận sau bữa tối tại Nhà Trắng. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa không được mời tham dự bữa tối riêng tư này.
Thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Donald Trump và đảng Dân chủ liên quan tới Chương trình Quyết định hoãn dành cho trẻ em vào Mỹ (DACA) của cựu Tổng thống Barack Obama. Chương trình này sẽ bảo vệ những người nhập cư dưới 31 tuổi, đến Mỹ từ khi còn là trẻ em, có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất. Điều này có nghĩa chính phủ Mỹ sẽ không trục xuất họ trong 2 năm và cho họ cơ hội làm việc hợp pháp ở Mỹ.
Bà Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện. Ảnh: AP
Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt DACA hồi đầu tháng này, sau đó cho Quốc hội thời hạn 6 tháng để đưa ra một bản sửa đổi pháp lý. Tuy nhiên, sáng 13-9, tại cuộc họp bao gồm các thành viên lưỡng đảng tại Hạ viện ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump kêu gọi đề ra giải pháp cho DACA.
Ông nói: "Chúng tôi không muốn quên DACA. Chúng tôi muốn xem liệu chúng ta có thể làm một cái gì đó để giải quyết vấn đề của DACA cũng như các vấn đề nhập cư khác hay không".
Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tuần Tổng thống Donald Trump gây bất ngờ cho đảng Cộng hòa khi ủng hộ phe Dân chủ trong việc tìm giải pháp cho các chính sách quan trọng.
Lần trước, vào ngày 6-9, Tổng thống Donald Trump bất ngờ ủng hộ thỏa thuận hiếm hoi với đảng Dân chủ, theo đó gắn liền khoản cứu trợ bão hàng tỉ USD với việc tăng trần nợ công và ngăn chính phủ đóng cửa trong 3 tháng.
Ngoài DACA, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Donald Trump lúc này là cải cách thuế. Thay vì tranh thủ sự ủng hộ của đảng nhà thì ông chủ Nhà Trắng đang lôi kéo đảng Dân chủ. Tổng thống Donald Trump và cấp phó dự kiến dùng bữa tối với các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ vào tối 19-9.
Người liên lạc của Tổng thống Donald Trump với Điện Capitol, Marc Short, nói với các phóng viên rằng nhà lãnh đạo Mỹ muốn tiến hành cải cách thuế dựa trên sự ủng hộ của lưỡng đảng.
Ông Chuck Schumer, thủ lĩnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ. Ảnh: REUTERS
Ông Patrick Griffin, từng là người liên lạc của cựu Tổng thống Bill Clinton với Điện Capitol, nhận định rằng làm việc với đảng đối lập để ban hành đạo luật đã trở thành một đặc điểm nổi bật của Nhà Trắng dưới thời ông Clinton sau khi đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Quốc hội. Và điều đó đã mang lại một số thành tựu lập pháp cho ông Clinton, bao gồm cải cách phúc lợi.
Ngày nay, sự khác biệt là Tổng thống Donald Trump có đảng Cộng hòa (đảng nhà) chiếm đa số ghế tại lưỡng viện Quốc hội nhưng vẫn không thông qua được một số dự luật lớn.
Nếu ông chủ Nhà Trắng không thể vượt qua cuộc cải cách thuế vào cuối năm nay, các nhà quan sát dự đoán đảng Cộng hòa có thể gặp rắc rối trong cuộc bầu cử vào giữa tháng 7-2018.
Người phát ngôn của cựu Chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert, John Feehery, phân tích: "Tôi nghĩ đảng Cộng hòa vẫn có thể tồn tại nếu chứng tỏ được khả năng cai quản của mình".
Tuy nhiên, đảng Cộng hòa tại Thượng viện chỉ chiếm đa số ghế 52 so với 48 ghế của đảng Dân chủ, trong khi để thông qua hầu hết các dự luật phải cần đến 60 phiếu. Vì vậy, Tổng thống Donald không thể không cần tới đảng Dân chủ.
Bình luận (0)