Khoảnh khắc đó do Yannis Behrakis của hãng tin Reuters chụp lại được. Nó lột tả cảnh tượng số phận những người nhập cư nhó bé giữa con đường mưa bão tầm tã ở Hy Lạp.
Bức ảnh nụ hôn của cha lại một lần nữa làm trái tim thế giới rung động
về số phận người nhập cư Syria. Ảnh: Reuters
Hàng ngàn gia đình chạy trốn bạo lực, tra tấn, cưỡng hiếp đang liều mạng đưa bọn trẻ đi tìm kiếm một ngôi nhà mới ở châu Âu. Không chỉ phải cố gắng giữ mạng sống bản thân, nhiệm vụ khó khăn hơn cả của những người tị nạn là chăm sóc bọn trẻ - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trên con đường xa xôi đầy chông gai.
Những nhân vật trong bức ảnh đang trên đường tới biên giới Macedonia. Nước này cho biết số người tìm kiếm tị nạn đang gia tăng trông thấy. Chính quyền tại Macedonia gần đây bị chỉ trích kịch liệt vì hành động phun hơi cay và ném lựu đạn vào người tị nạn khi họ đang tìm cách chạy tới biên giới với Hy Lạp.
Khoảng 4.000 người, trong đó có trẻ nhỏ, phải chôn chân trong bùn lầy hôm 10-9 giữa trời mưa lớn ở Hy Lạp để chờ vượt biên sang Macedonia vào châu Âu. Trong số này có tới gần 3.000 người là người Syria.
Hồi tháng trước, Cao ủy Di trú Liên minh châu Âu Dimitris Avramopoulos nói rằng đây là cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất mà châu Âu phải đối mặt kể từ Thế chiến II. Hơn 380 ngàn người tị nạn đã tới biên giới châu Âu. Hơn 2.600 người đã thiệt mạng trên hành trình.
Tổng thống Romania, ông Klaus Iohannis, ngày 10-9 đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) về phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư cho 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Theo kế hoạch tái định cư 160.000 người di cư kể trên, Đức sẽ tiếp nhận nhiều nhất với 31.443 người, tiếp theo là Pháp (24.031 người), Tây Ban Nha (14.931 người), Ba Lan (9.287 người), Hà Lan (7.214 người)… thấp nhất là Malta (133 người).
Romania sẽ phải tiếp nhận 4.646 người di cư trong 2 năm tới, chưa kể 1.785 người mà nước này đã chấp thuận theo đề nghị ban đầu được thông qua hồi tháng 7-2015. Ngoài Romania, Hungary và Ba Lan cũng phản đối cách phân chia hạn ngạch.
Dự kiến Hungary hoàn thành tường rào dọc biên giới Serbia vào đầu tháng 10. Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố nước ông sẽ "chơi luật khác" từ tuần tới với việc phạt những người nhập cư trái phép, siết chặt quy trình đăng ký tị nạn và có thể dùng đến biện pháp trục xuất.
Bình luận (0)