Theo NHC, bão Irma đã đổ bộ vào Cuba như bão cấp 5 với sức gió 260 km/giờ, bão Jose cách nhóm đảo Lesser Antilles khoảng 1.130 km về phía Đông và bão Katia ở khu vực Tây Nam của Vịnh Mexico.
Bão Jose hiện đã đạt cấp 4 với sức gió 240 km/giờ. Nó theo sau đường đi của bão Irma và đã cản trở công tác cứu trợ ở một số khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trước đó.
Cư dân đảo Barbuda, phía Đông Caribbean, đã rời khỏi hòn đảo vì bão Jose. Trước đó, 95% nhà cửa trên đảo Barbuda đã bị bão Irma phá hủy.
Trong khi đó, bão Katia đã trở thành cơn bão cấp 2 với sức gió 140 km/giờ. Cư dân bờ biển thuộc bang Veracruz – Mexico đã được cảnh báo và cơn bão này được dự báo đổ bộ ngày 9-9 (giờ địa phương).
Đây là lần đầu tiên 3 cơn bão ở Đại Tây Dương có khả năng cùng lúc đổ bộ cùng lúc.
Đây là lần đầu tiên 3 cơn bão ở Đại Tây Dương có khả năng cùng lúc đổ bộ vào đất liền. Ảnh: Qz.com
Sức mạnh gia tăng và tác động tiềm ẩn của các cơn bão ở lưu vực Đại Tây Dương đã khiến không ít chuyên gia thời tiết lo ngại trong lúc nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng.
Dù có thể không góp phần hình thành các cơn bão, tình trạng toàn cầu ấm dần lên chắc chắn sẽ làm gia tăng cường độ và sức phá hủy của chúng.
Biến đổi khí hậu khiến bão mỗi lúc một mạnh hơn trong thời gian dài hơn vì chúng cần không khí ấm và ẩm ướt trên đại dương nhiệt đới để duy trì sức mạnh. Sức phá hủy của bão cũng mạnh hơn vì nhiệt độ cao hơn nghĩa là không khí có thể chứa nhiều độ ẩm hơn. Do đó, bão có thể gây ra mưa lớn hơn, khiến lụt lội nghiêm trọng hơn.
Mực nước biển gia tăng cũng kéo theo các đợt sóng mạnh hơn sau cơn bão.
Bão Irma gây ra gió lớn ở TP Caibarien - Cuba hôm 8-9. Ảnh: Reuters
Người dân gia cố nhà cửa tại Immokalee, bang Florida hôm 8-9. Ảnh: Reuters
Ông Gerry Bell, một chuyên gia tại Trung tâm dự báo khí hậu thuộc Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia, khẳng định với The New York Times rằng nước biển ấm lên đã góp phần tạo ra điều kiện tối ưu cho bão trong mùa này.
Một số chuyên gia môi trường cho rằng cần phải nói về vai trò của biến đổi khí hậu đối với sức tàn phá của bão. Sự nóng lên toàn cầu là một mối đe dọa dài hạn, nhưng các nghiên cứu cho thấy những mối lo ngắn hạn thực sự là điều thúc đẩy con người hành động.
Bình luận (0)